Thí sinh có bị thiệt khi làm tròn điểm?

Thảo luận trong 'Thông tin tuyển sinh' bắt đầu bởi tkt057, 29/7/15.

Loading...
  1. tkt057

    tkt057 Moderator

    Với cách làm tròn theo quy định, thí sinh làm được nhiều câu đúng hơn đôi khi sẽ bị kéo lùi điểm về bằng với thí sinh có số câu đúng ít hơn.

    [​IMG]
    Điểm làm tròn liệu có công bằng?
    Với quy định của quy chế thi THPT quốc gia năm nay, việc làm tròn điểm được tính theo quy tắc: điểm thi từng môn sẽ được quy ra thang điểm 10 và làm tròn đến 0,25 điểm, điểm đạt được gần mức làm tròn nào nhất thì sẽ làm tròn về mức đó.

    Với cách làm tròn này, thí sinh làm được nhiều câu đúng hơn đôi khi sẽ bị kéo lùi điểm về bằng với thí sinh có số câu đúng ít hơn. Ví dụ điểm đạt được là 4.9 sẽ được làm tròn thành 5 và 5.1 cũng làm tròn thành 5, như vậy thí sinh làm được nhiều câu đúng hơn sẽ bị thiệt.

    Thí sinh bị thiệt thòi

    Nhiều thí sinh đã lên tiếng rằng cách làm tròn này đã làm họ bị thiệt thòi về điểm số. Có ý kiến còn cho rằng nên bỏ hẳn việc làm tròn điểm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

    Một thí sinh tham gia kỳ thi vừa rồi đặt câu hỏi: “Làm tròn kiểu này mất đến 0,25, vì 0,25 không được vào trường mình muốn thì sao?”.

    Thí sinh Nguyễn Minh cho biết: “Tôi thi ba môn Toán 7,25, Lý 7,6, Hóa 6,8, sau khi làm tròn thì môn Lý còn 7,5, môn Hoá còn 6,75, tức là mất 0,15. Trong khi đó điểm môn Anh văn thì lại lấy đến từng 0,1. Thật là vô lí!”.

    Một thí sinh khác trình bày trường hợp của mình: “Theo quy tắc làm tròn của Bộ, em thi Hóa với Sinh đều đc 6,6 làm tròn còn 6,5, Toán được 7,75, như vậy tổng điểm là 20,75. Bạn khác thi Hóa và Sinh đều 6,4 làm tròn là 6,5, Toán 7,75 tổng điểm 20,75. Bất công quá! Nếu không làm tròn, từ đầu em đã đc 20,95 còn bạn kia đc 20,55...khác xa nhau. Làm tròn như vậy có thể mất quyền vào ĐH của em”, thí sinh này nói.

    Một độc giả khác cho rằng Bộ Giáo dục không nên làm tròn điểm thi.

    “Điểm bao nhiêu thì tính bấy nhiêu, làm tròn rắc rối. Điểm xét tuyển vào đại học chứ đâu phải chuyện đùa, bao nhiêu công sức các cháu bỏ vào đó”, bạn đọc chia sẻ.

    Có cùng quan điểm này, anh Quốc Linh (Q.9, TP.HCM) nhìn nhận điểm thi dùng để xét tuyển Đại học, chỉ chêch lệch 0,25 điểm thì có thể đậu hoặc hỏng rồi. “Những môn thi trắc nghiệm chêch lệch 0,2 điểm cũng “số phận” rồi. Tôi thấy nên giữ nguyên điểm, bất cứ môn nào cũng vậy, tính phân loại sẽ cao hơn”, anh Linh bày tỏ.

    Chia sẻ góc nhìn này, chị Mai Trâm (Đồng Tháp) cho biết trong kiến thức thì không thể cho hay tước đoạt. “Thi đấu thể thao hơn nhau bằng % giây, thi cử cần chính xác nhất, không cần phải làm tròn. Bộ Giáo dục không nên loay hoay vì một chuyện vô ích”, chị Trâm nói.

    Sao phải làm tròn điểm?

    Thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS&THPT Lạc Hồng (TP.HCM) cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thì không nên làm tròn điểm vì 0.25 điểm có thể quyết định nhiều thứ trong xét tuyển ĐH. Hơn nữa, theo thầy Ngọc, việc làm tròn sẽ không đảm bảo được quyền lợi của thí sinh.

    “Ngày xưa thường áp dụng biện pháp làm tròn để thuận tiện cho việc ghi chép, nay thì mọi thứ có máy vi tính làm cả rồi thì chẳng có lý do gì phải làm tròn cả, cứ giữ nguyên hai số thập phân để thí sinh không bị thiệt thòi, làm đúng bao nhiêu hưởng điểm bấy nhiêu”, thầy Ngọc bày tỏ quan điểm.

    “Không nên làm tròn, điểm 6,2 hay 6,3 cũng được, không cần 0,25 hay 0,5. Hiện tại nhìn có vẻ như công bằng nhưng thực tế không có, hậu quả về sau”, Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nêu ý kiến.

    Thí sinh tra cứu điểm thi

    Ông Phạm Thái Sơn, phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đánh giá nguyên tắc làm tròn thực tế có ảnh hưởng đến thí sinh.

    Tuy nhiên, “các quy tắc đã đưa ra từ đầu, nếu bây giờ điều chỉnh thì sẽ gây ảnh hưởng đến thí sinh. Không hiểu thế nào nhưng quả thật có thiếu sót liên quan đến điểm các môn thi trắc nghiệm. Việc điều chỉnh có thể tiến hành trong các năm tiếp theo thôi”, ông Sơn nói.

    Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng việc làm tròn đến 0.25 điểm đã thể hiện sự tiến bộ so với các năm trước (làm tròn đến 0.5 điểm).

    “Thực ra chênh lệch không lớn, trước đây chúng ta làm tròn đến 0,5 lệch nhau còn lớn hơn. Làm tròn điểm tuy còn mặt trái nhưng cũng dễ chấp nhận được. Mình nên chấp nhận vì thang điểm đã chia nhỏ ra rồi”, TS Trần Đình Lý nhìn nhận.

    Thí sinh 6,4 điểm có thể phúc khảo nếu bị làm tròn về 6,25

    Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD- ĐT cho biết theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia năm nay, điểm các môn thi sẽ tính đến điểm lẻ là 0,25 điểm.

    Còn khi cộng điểm các môn thì không làm tròn thành 0,5 như các năm trước mà để nguyên điểm lẻ là 0,25. Đối với các môn tự luận, sau khi chấm sẽ có điểm lẻ đến 0,25 vì thang điểm chia đến 0,25. Riêng đối với môn trắc nghiệm, điểm tính theo thang 100, nên sau khi chấm phải quy về thang điểm 10 và làm tròn đến 0,25 điểm.

    Với trường hợp thí sinh có bài thi đạt 6,4 điểm mà bị làm tròn về 6,25 điểm có thể đề nghị phúc khảo để đảm bảo quyền lợi của mình.

    NGỌC HÀ Tuổi Trẻ​
    Loading...

Chia sẻ trang này