10 điều thú vị vợ cần biết về chồng.

Thảo luận trong 'Tình yêu và hôn nhân' bắt đầu bởi Hà Hồng, 7/9/13.

Loading...
  1. Hà Hồng

    Hà Hồng "1 phút thôi , nhưng đủ thay đổi cuộc đời bạn"

    Khi nào chồng cần có “khoảng trời riêng”, khi nào anh ấy thực sự lắng nghe, khi nào tranh luận sẽ vô ích..., đó là những điều chị em cần hiểu để phu quân không còn là "ẩn số" khó đoán.


    Khi nào anh ấy cần “khoảng trời riêng”

    Chia sẻ thông tin nóng hổi về chuyện cơ quan, lịch học của con cái, hay chuyện của hàng xóm ngay khi chồng bước chân về đến cửa có thể mang lại tác động trái với mong muốn của bạn. “Phần lớn chị em muốn trao đổi với chồng ngay lập tức khi anh ấy vừa đi làm về vào cuối ngày”, tiến sĩ Les Parrot II, giáo sư tâm lý và là đồng tác giả của cuốn The Good Fight: How Conflict Can Bring You Closer chia sẻ.
    Điều này khiến chồng bạn không hứng thú, thậm chí tức giận. Vì thế, hãy dành cho bạn đời vài phút nghỉ ngơi thư giãn khi anh ấy trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng. Nếu biết chờ đợi, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự quan tâm hết mình của anh ấy với những chủ đề bạn chia sẻ.

    [​IMG]

    Khi nào anh ấy thực sự lắng nghe

    Nếu “một nửa” thường xuyên không tập trung vào bạn khi hai người đang trò chuyện thì hãy lưu ý đến điều này: Nam giới có thể vẫn nhìn vào các điểm khác trong phòng (không nhìn vào mắt người nói) dù vẫn đang lắng nghe, Deborah Tannen, tác giả của cuốn You Just Don't Understand: Women and Men in Conversation chia sẻ.
    Vì vậy, thay vì tập trung vào ánh nhìn của chồng khi đang trò chuyện, bạn hãy để ý xem anh ấy phản ứng thế nào với những lời bạn nói. Nếu lời nói của bạn thực sự như “nước đổ lá khoai” thì theo lời khuyên của Rachel A. Sussman, chuyên gia về tình cảm (Mỹ), bạn nên nhẹ nhàng nói cho anh ấy biết rằng bạn có cảm giác anh đang không lắng nghe và để anh có cơ hội giải thích. “Không nên buộc tội hoặc đổ lỗi cho anh ấy”, bà chia sẻ.

    Cách tranh luận hiệu quả nhất


    Tranh luận là điều không thể tránh khỏi của tất cả vợ chồng, kể cả với những cặp hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, có cách tranh luận tích cực và có cách tiêu cực. Theo một cuộc khảo sát nhằm dự đoán các cặp vợ chồng có thể sống được với nhau bao lâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra việc la hét và lăng mạ nhau trong quá trình tranh luận thường đưa đến hậu quả ly hôn. Đây cũng là đáp án chung trong trường hợp hai bên có cách tiếp cận tranh luận khác nhau, ví dụ một người thì nói năng bình tĩnh còn một người thì tránh đối thoại.
    Vì thế, hãy tự hỏi bản thân rằng khi nào mình muốn có cuộc thảo luận này, bà Sussman chia sẻ. “Và hãy nghĩ xem điều gì là tốt nhất cho bạn đời của bạn”. Đánh giá tâm trạng của cả hai vợ chồng có thể giúp bạn xác định thời điểm hợp lý nhất cho một cuộc tranh luận có tính xây dựng.

    Khi nào thì tranh luận là vô ích

    Để xác định liệu bạn có đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến” có mục đích hay không thì hãy đánh giá tầm quan trọng của chủ đề. Nếu đó là về những giá trị cốt lõi, ví dụ cách nuôi dạy con cái hoặc thành phố mà gia đình bạn sẽ chọn để định cư, thì hãy xếp nó ở vị trí ưu tiên. Còn nếu không, ví dụ màu sắc của ga trải giường hoặc ăn gì cho bữa tối, thì có lẽ không đáng để tranh luận. Sau đó, hãy xác định xem liệu bạn và anh ấy có sẵn sàng cho một cuộc thảo luận nghiêm túc hay không. Nếu một trong hai người đang cảm thấy đói, mệt mỏi, hoặc mất tập trung thì không nên thảo luận về những chủ đề quan trọng, tiến sĩ Leslie Parrot chia sẻ.

    Chủ đề nào “đụng chạm” đối với anh ấy

    Đó có thể là việc mẹ anh ấy nấu ăn không ngon hay việc anh thường đi làm về muộn. Theo tiến sĩ Les Parrot thì điều quan trọng là chúng ta “phải biết đâu là những chủ đề dễ gây xung đột. Nếu bạn đề cập đến những chủ đề này rất có thể bạn đang châm ngòi cho một "vụ nổ" về cảm xúc.
    Tuy nhiên, bạn không thể né tránh tất cả chủ đề nóng. Vì vậy, hãy tìm không gian và thời gian phù hợp để nói về chúng. Ngoài ra, hãy cố gắng hiểu quan điểm của chồng bạn và sau đó tiếp cận anh ấy theo phương thức thân thiện, không đe dọa. Bạn có thể nói: “Em không muốn làm anh khó chịu. Em chỉ muốn tìm giải pháp cho vấn đề đang khiến em suy nghĩ và băn khoăn”.

    Cách (và thời điểm) trở thành hậu phương vững chắc của anh ấy

    Theo kết quả một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2012 thì những cặp vợ chồng cho biết nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bạn đời có mức độ hài lòng với hôn nhân cao hơn 50%. Trong khi các bà vợ coi tình yêu thương và ấm áp chính là biểu hiện của sự hỗ trợ thì các ông chồng cảm thấy được hỗ trợ khi vợ đánh giá cao họ, cần tới họ, và sẵn sàng giúp đỡ họ những việc nhỏ. Bạn không chắc liệu chồng có cần mình không? Hãy hỏi thẳng anh ấy. “Đọc suy nghĩ của người khác là điều hoàn toàn không nên”, tiến sĩ Jackie Black, chuyên gia tư vấn tình cảm (Mỹ) chia sẻ. Hãy tự nguyện giúp giải quyết một số công việc anh ấy cần làm để anh có thời gian nghỉ ngơi. Và hãy cho chồng biết rằng bạn đánh giá cao anh ấy trong vai trò người chồng, người cha trong gia đình như thế nào. Những điều đó sẽ giúp anh ấy có thêm động lực và niềm vui.

    Khi anh ấy không hài lòng với đời sống tình dục của hai bạn

    Khi “một nửa” không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy anh ấy muốn quan hệ tình dục, ví dụ thường xuyên hôn cổ bạn hoặc dành cho bạn những ánh nhìn “biết nói”, thì đó chính là thời điểm bạn cần làm sống lại ngọn lửa yêu đương giữa hai vợ chồng. Theo tiến sĩ Leslie Parrot, các cặp vợ chồng sẽ cảm thấy gắn bó và kết nối lại với nhau khi họ cùng thử các hoạt động ngoài trời. “Phụ nữ trải nghiệm sự thân mật thông qua giao tiếp cho nên chúng ta thường xem nhẹ việc chia sẻ những gì mới lạ”, bà Leslie Parrot nói. Vì thế, hãy lên kế hoạch cho một buổi hẹn hò giúp cả hai ngập tràn cảm hứng. Chị em có thể tham khảo một số ý tưởng như cùng nhau đi dạo, cùng nhau tham dự một lớp học nấu ăn…

    Quan điểm của anh ấy về vai trò làm chồng và làm cha của mình

    Dù là giữa vợ chồng hay giữa vợ chồng và các con thì cả bạn và bạn đời đều có những vai trò quan trọng như nhau trong gia đình. Việc bạn nhận ra chồng có quan điểm như thế nào về vai trò của anh ấy và tôn trọng quan điểm đó là điều tối quan trọng. “Đương nhiên đó là ‘con đường hai chiều’, nhưng với nam giới thì điều đó rất quan trọng", tiến sĩ Les Parrot chia sẻ. Ông cũng cho biết việc bạn tôn trọng vai trò của chồng trong gia đình giúp anh ấy cảm thấy gần gũi với bạn hơn. Vì thế, hãy cố gắng đánh bật ham muốn buộc chồng làm những việc cụ thể mà anh ấy không muốn.

    Ước mơ về nghề nghiệp (hay kỳ nghỉ) của anh ấy

    Chúng ta dễ dàng bị cuốn theo vòng quay hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống hàng ngày. "Tuy nhiên, các cặp vợ chồng hạnh phúc luôn cùng nhau thảo luận về hy vọng và mơ ước của bạn đời để xây dựng và duy trì sự thân mật giữa hai người”, tiến sĩ Black chia sẻ.
    Chính vì thế, hãy đặt ra mục tiêu thường xuyên trò chuyện với chồng về bản thân anh ấy. Hãy tìm hiểu xem mục tiêu nghề nghiệp của anh ấy trong tương lai như thế nào, hay chỉ đơn giản là lắng nghe anh ấy nói về cuốn sách, về chương trình truyền hình, hay về món ăn ưa thích. Sau đó, hãy đáp lại bằng cách chia sẻ với anh ấy về bản thân. Sự giao tiếp giúp hai bạn trưởng thành bên nhau thay vì cách xa.

    Rằng bạn không bao giờ có thể hiểu hết về anh ấy

    Dù có giao tiếp với chồng mình nhiều đến thế nào đi chăng nữa bạn cũng không bao giờ có thể hiểu hết anh ấy. Điều đó hoàn toàn bình thường. “Sẽ không tốt chút nào nếu bạn tin rằng mình luôn hiểu rõ về chồng nên không bao giờ phải hỏi anh ấy”, tiến sĩ Black chia sẻ. Việc bạn và bạn đời liên tục tìm hiểu về nhau là vô cùng quan trọng. “Nếu hai bạn luôn luôn phát triển thì cả hai cần phải liên tục tìm hiểu về nhau”. Điều đó có nghĩa là mỗi tuần bạn có ít nhất một việc thú vị để làm, đó là tìm hiểu và yêu bạn đời của mình nhiều hơn.

    Theo womansday
    Loading...

Chia sẻ trang này