Ấm lòng quán cơm 2.000 đồng giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ

Thảo luận trong 'Tin tức hằng ngày' bắt đầu bởi Thanh Hằng, 12/3/15.

Loading...
  1. Thanh Hằng

    Thanh Hằng Thành viên chính thức

    Vào thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, thì với 2.000 đồng, người dân ở TP.HCM không đủ để gửi xe, thậm chí là không mua được một ly trà đá, gói mì.

    Nhưng có một nơi mà với số tiền ít ỏi ấy, người nghèo, sinh viên khó khăn có thể mua được một phần cơm trưa đầy đủ dinh dưỡng. Đó là ở quán cơm xã hội Nụ Cười 1 tại địa chỉ số 6, đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM.

    [​IMG]
    Quán cơm 2.000 đồng Nụ cười 1 nơi "cứu cánh" của rất nhiều người. Ảnh: Đặng Thanh

    Cứ đến khoảng 11h trưa hàng ngày, từ thứ hai đến thứ bảy, rất nhiều người lao động nghèo hành nghề bán vé số dạo, chạy xe ôm, công nhân, bảo vệ hay sinh viên ngoại tỉnh, lại tấp nập kéo đến quán cơm xã hội Nụ Cười 1 để xếp hàng trật tự mua vé vào ăn.

    Đây là quán cơm xã hội do bác Nam Đồng ( Nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP. HCM) thành lập vào tháng 10 năm 2012. Đến nay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, mỗi ngày quán bán được gần 1000 suất cơm. Hiện quán đã được mở rộng thêm nhiều chi nhánh ở các quận trong thành phố. Mỗi quán có khoảng từ 6 – 10 nhân viên và rất nhiều tình nguyện viên đến phụ giúp.

    Mỗi suất cơm đều đầy đủ chất dinh dưỡng như: món mặn (thịt kho, cá chiên ...), món xào, canh và có cả đồ tráng miệng, trà đá lạnh được đun sôi để nguội. Tất cả đều tươm tất và đầy đủ như một phần ăn của các quán cơm bình thường, nhưng giá chỉ có 2.000 đồng. Đặc biệt, hàng tháng đều có một ngày quán nấu các món như: phở, bún bò, hủ tiếu… với giá chỉ 1.000 đồng/ phần.

    [​IMG]
    Thực đơn của quán đầy đủ các món và dinh dưỡng.​

    [​IMG]
    Khách đến xếp hàng rất trật tự để mua phiếu cơm.​

    [​IMG]
    Chỉ cần 2.000 đồng mọi người đã có bữa cơm ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng.

    Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, làm nghề mua phế liệu) chia sẻ, “Từ khi đến quán cơm này ăn, tôi đã tiết kiệm được thêm được một số tiền để dành nuôi con ăn học”. Còn Trí Tín, sinh viên trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nói, “Quê mình ở tận ngoài Bình Định, gia đình lại nghèo, hằng tháng mẹ chỉ gửi cho ít tiền nhưng phải trang trải cho biết bao nhiêu thứ. Vì vậy, ngay lúc biết có quán cơm 2.000 đồng này, mình đã đến ăn đều đặn hằng ngày. Điều này giúp mình không phải lo nhịn đói, vừa giúp cho gia đình đỡ phần nào gánh nặng”.

    Bác Năm Hùng (bảo vệ) với khuôn mặt khắc khổ chia sẻ: “Tôi không biết chủ quán là ai, nhưng tôi biết ơn họ nhiều lắm. Hy vọng quán sẽ được duy trì và mở rộng hơn nữa cho những người nghèo như tôi có bữa ăn no và ngon như thế này”.

    Điều khiến mọi người vui nhất là họ đều được đối xử công bằng như “thượng đế” thực sự. Bạn Kiều Vân (25 tuổi, thu ngân của quán) chia sẻ: “Mình vào làm ở đây cũng được lâu rồi, công việc rất thú vị và vui. Được nhìn thấy nụ cười và sự hài lòng của những người đến quán ăn là mình và tất cả mọi người hạnh phúc lắm”.

    [​IMG]
    Phần cơm khá thịnh soạn mà mọi người được thưởng thức.​

    [​IMG]
    Đa phần những người đến đây ăn đều có hoàn cảnh tương đối khó khăn.​

    Chú Tâm An (Việt Kiều Úc, tình nguyện viên của quán) vừa bưng cơm cho khách vừa nói: “Tôi mới về nước và biết quán cơm này mở ra để giúp người nghèo, sinh viên khó khăn rất có ý nghĩa, nên quyết định đến phụ việc với mọi người. Tuy có mệt, nhưng mà vui và cảm động vô cùng. Sắp tới tôi sẽ kêu gọi bạn bè của mình quyên góp tiền để mua thêm nhiều thịt, cá cho mọi người”.

    Hoàng Tâm (47 tuổi, bếp trưởng của quán), người trực tiếp nấu thức ăn hằng ngày và được các bạn sinh viên đến đây ăn gọi thân thương bằng “má”, tâm sự: “Mỗi một món ăn khi nấu, tôi đều đặt trọn tình cảm yêu thương của mình đối với mọi người, vì tôi biết những người đến đây ăn mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung quy họ đều gặp khó khăn”.

    [​IMG]
    Những tình nguyện viên của quán.​

    Tuy diện tích của quán còn hạn hẹp trong tình cảnh lúc nào cũng đông khách, nhưng các công việc của mọi người đều được sắp xếp một cách khoa học. Tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu. Để có kinh phí tạo ra những bữa cơm chất lượng như thế, thì những người điều hành phải đi vận động các nhà hảo tâm ở khắp nơi. Cũng có không ít trường hợp, chính những người đến đây ăn hằng ngày đóng góp với phương châm “của ít lòng nhiều”.

    Với nhiều người, quán cơm xã hội Nụ Cười 1 là quán cơm tình nghĩa của cả người bán lẫn người mua. Mỗi suất cơm chỉ có giá 2.000 đồng, nhưng đã giúp đỡ biết bao nhiêu người có được những bữa ăn no bụng, đủ chất và góp phần tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt hằng ngày, qua đó giảm bớt gánh nặng mưu sinh “cơm áo gạo tiền”.

    Theo Yan​
    Loading...

Chia sẻ trang này