Cận cảnh nhà trọ "nhếch nhác nhưng giá cao" của sinh viên

Thảo luận trong 'Tin trường lớp' bắt đầu bởi tkt057, 11/9/14.

Loading...
  1. tkt057

    tkt057 Moderator

    Ở hầu hết các cổng trường đại học, cao đẳng như Đại Học Bách Khoa, Xây Dựng, Công Đoàn, Ngân Hàng, Kinh tế Quốc Dân… ai ai cũng có thể bắt gặp các mẩu giấy đăng tin: “Cho thuê phòng trọ giá sinh viên”, “Phòng trọ giá rẻ khép kín”… Nhưng khi “mục sở thị” thì nhiều bạn tỏ ra vỡ mộng vì “rẻ lại không như mơ” mà “ưng lại quá đắt”.

    [​IMG]
    Khu trọ tối tăm, đường đi nhỏ hẹp, phòng rộng từ 13m2 nhưng giá vẫn "trên trời"

    Giá cao, phòng trọ vẫn "cháy"

    Cả tuần nay, chú Dương Văn Đức quê ở Nam Định cùng người con trai mới trúng tuyển vào ĐH Luật Hà Nội loay hoay đi tìm phòng trọ, tuy nhiên vẫn chưa tìm được phòng ưng ý.

    Chú Đức chia sẻ: “Con đỗ Đại học cả nhà tôi ai cũng mừng. Mấy hôm trước hai bố con khăn gói lên thành phố sớm hơn thời gian nhập học để tìm nhà trọ cho con mà giờ vẫn chưa tìm được căn phòng ưng ý, phù hợp với thu nhập của gia đình. Mạn Hà Đông tôi tìm được phòng trọ rẻ nhất cũng phải hơn 1 triệu chưa tính chi phí điện nước. Phòng ở gần nơi con học lại giá đắt hơn. Thu nhập của gia đình tôi chỉ dựa vào có sào ruộng, con trâu, giá phòng cộng thêm các khoản ăn uống, học phí... gia đình không lo nổi".

    Em Tiến Đạt – quê ở Vĩnh Phúc cũng trong cảnh đi tìm nhà trọ. Đạt đỗ trường Đại học Bách Khoa. 4 ngày đi khảo sát các khu vực, Đạt vẫn chưa tìm được nhà ưng ý. Được biết, ở khu vực Từ Liêm (Hà Nôi), căn phòng nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 người ra vào cũng có giá 1 triệu đồng/phòng. Phòng trọ tại khu vực Xuân Thủy thì thấy giá phòng phổ biến từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/phòng tùy loại, có phòng lên tới 3 triệu đồng. Nếu phòng khép kín, rộng khoảng 15 - 20m2 có giá hơn 2 triệu đồng/tháng chưa kể điện, nước. Phòng nhỏ hơn cũng phải 1,7 triệu đồng/phòng. Còn lại các phòng bình dân cũng không có giá dưới 1 triệu. Với mức giá trên, Đạt chỉ vào xem xong rồi lắc đầu quay ra vì không kham nổi giá tiền.

    Được biết, thời điểm này nhiều nhà trọ đã kín phòng như ở khu vực Mỹ Đình, Hồ Tùng Mậu, Bạch Mai,… Lý giải về điều này, bác Ngọc – chủ dãy nhà trọ ở Hồ Tùng Mậu cho hay: “Năm nay, phòng trọ có dấu hiệu sốt hơn mọi năm. Nhiều bạn tân sinh viên cũng tới tìm phòng nhưng thời điểm này ở chỗ tôi là đã kín sạch. Kể cả đến từ tháng 7 cũng đã hết rồi vì phần lớn sinh viên ở rồi không chuyển đi, ra trường vẫn ở lại Thủ đô để tìm việc. Tân sinh viên nhập học lại đông nên chẳng còn phòng trống".

    Với số lượng trường đại học nhiều, tập trung, TP Hà Nội thu hút lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh nhập cư trọ học lớn. Nhu cầu tìm phòng trọ, căn hộ ở ghép, luôn trở nên quá tải trong thời điểm này. Khi ký túc xá của các trường trở nên chật chội, chỉ tiêu có hạn với những điều khoản nghiêm ngặt, thì thị trường nhà ở dành cho sinh viên thuê trọ tại thành phố này đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, bên cạnh phụ huynh, tân sinh viên ráo riết săn lùng phòng trọ, các cựu sinh viên cũng liên tục thay đổi chỗ ở, nhiều cử nhân ra trường vẫn thuê nhà, tạo nhiều biến động nhất định ảnh hưởng trực tiếp đến giá phòng.

    Không những thế, thời điểm này, nhiều chủ nhà trọ đã lợi dụng việc nhập học của các bạn sinh viên mà họ tự ý tăng giá tiền thuê nhà, tiền điện, nước,… gây nhiều khó khăn hơn cho sinh viên.

    [​IMG]
    Nhiều nhà trọ cho sinh viên thuê có giá hơn 2 triệu 1 tháng nhưng phải dùng nhà vệ sinh chung

    Giá cao, chất lượng phòng kém, nhếch nhác

    Đi tìm nhà trọ cho con gái, bác Phạm Ngọc Minh đến từ Nghệ An chia sẻ: “Dẫn con gái đi nhập học, điều đầu tiên vợ chồng tôi lo nhất là chỗ ăn chỗ ở cho con. Thiết nghĩ phải ‘an cư’ thì sau đó con cái mới yên trí học tập tốt được. Tôi muốn tìm một nhà trọ tối thiểu phải có đầy đủ điện, nước, khép kín, an ninh tốt giá cả phải hợp với túi tiền của người nông dân như chúng tôi. Mấy ngày vừa qua tôi nhận thấy giữa một thành phố lớn như Hà Nội thì không dễ có thể tìm được một phòng như thế”.

    Sau nhiều ngày rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm đi tìm phòng trọ, Nguyễn Văn Giáp quê ở Thanh Hóa, tân sinh viên của trường Đại học Bách Khoa cho biết: "Biết tìm nhà khó, em đã ra sớm hơn trước ngày nhập học một tuần để tìm nhà trọ, lựa chọn mãi, em mới tìm được một căn phòng trọ cấp 4 ở Ngũ Hiệp - Thanh Trì rộng khoảng 13m2, giá 1000.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Nhưng do không tìm được ai ở cùng, một mình thuê cả phòng thì không đủ tiền, nên mấy ngày nay em vẫn đang cố gắng đi tìm chỗ khác…”.

    Một thực tế đang xảy ra đó là trong khi giá nhà trọ cao nhưng chất lượng phòng trọ lại quá kém. Nhiều phòng trọ diện tích khá hẹp, mất vệ sinh nhưng lại có giá “trên trời”. Vì bí bách nên nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận thuê.

    [​IMG]
    Nhiều khu trọ phải dùng nhà vệ sinh chung

    [​IMG]
    Mọi sinh hoạt của các bạn sinh viên đều diễn ra trong căn phòng bé ẩm thấp

    [​IMG]
    Đường đi nhỏ hẹp, bí bách

    Sinh viên Hoàng Thị Hạnh, quê ở Yên Bái thở dài: “Cách đây gần một tháng bố mẹ em đã nhờ người quen ở Hà Nội tìm nhà, đặt cọc để em lên nhập học là có nhà ở ngay. Mặc dù giá thuê khá cao, 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước, nhưng căn phòng em đang ở nhỏ, chỉ rộng khoảng 10m2. Đã vậy, cả khu nhà trọ có tới 12 phòng, nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh chung. Em đành ở tạm, chờ đến hết tháng rồi tính tiếp”.

    Nhà trọ cho sinh viên luôn là vấn đề nan giải. Nhiều trường hợp các bạn đi khắp nơi để tìm nhưng vẫn không thể tìm được chỗ trọ cho mình. Việc tìm một nơi ở đáp ứng được nhu cầu của sinh viên với giá mềm giống như “đãi cát tìm vàng” ở giữa chốn thủ đô.
    Loading...

Chia sẻ trang này