Chuyện những bà vợ của các vị vua Việt Nam

Thảo luận trong 'Nghiên cứu lịch sử' bắt đầu bởi Gardener, 21/2/13.

Loading...
  1. Gardener

    Gardener Admin

    Bên cạnh công việc quốc gia đại sự, chốn hậu cung của các vị vua Việt Nam cũng là cả một thế giới của những điều bí ẩn, lạ kỳ.

    Người phụ nữ 3 lần từ chối làm vợ vua Lê Đại Hành

    Với nhiều người, trở thành vợ vua là một may mắn tột đỉnh, thế nhưng có một người phụ nữ đã 3 lần từ chối vào cung làm vợ vua Lê Đại Hành, đó là bà Phạm Thị Hến, quê ở làng Tó (làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay).

    Vua Lê Đại Hành gặp bà vào năm Tân Tị (981) trong lần cùng một cánh quân vận chuyển lương và vũ khí lên phía bắc để chống quân Tống xâm lược. Thấy bà nhanh nhẹn, thông minh, giỏi võ, lại tình nguyện tham gia đánh giặc nên vua giao đảm nhận việc trông coi, vận chuyển lương thực, khí giới cho quân đội.

    Không lâu sau, quân Tống đại bại, bà Phạm Thị Hến xin về quê chịu tang cha, hết kỳ hạn 3 năm, Lê Đại Hành cho người rước bà nhập cung nhưng cả 3 lần, bà đều từ chối, cuối cùng vua phải đích thân về làng Tó và chấp thuận 3 điều kiện là: Làm lễ lớn tế cha bà 3 ngày trước khi đón dâu; lễ cưới phải tổ chức ngay tại làng Tó; địa vị của bà phải ngang hàng với 4 bà hoàng hậu của vua.

    Cũng vì quá yêu người đẹp, mến tài lẫn sắc nên Lê Đại Hành chấp thuận cả 3 điều kiện. Bà Phạm Thị Hến được phong làm Phạm hoàng hậu, người dân thường gọi bà là bà Chúa Hến. Thế nhưng, nhiều năm ở bên vua mà bà không sinh được mụn con nào, buồn tủi bà xin về quê sinh sống và mất tại đó khi mới 37 tuổi.


    Nơi thờ bà ngày nay vẫn còn, đó là đình làng Hoa Xá. Điều thú vị là ngôi đình được dựng trên chính nền cũ ngôi nhà kết hoa (Hoa Xá), nơi diễn ra đêm tân hôn giữa vị hoàng đế anh hùng và cô thôn nữ làng Tó năm nào; tên làng cũng vì thế còn được gọi là làng Hoa Xá.

    Trần Nhân Tông được vợ che chở trước hổ dữ


    Hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông tên húy là Trinh, con gái lớn của danh tướng Trần Hưng Đạo, khi chưa vào cung, bà có tước vị là Quyên Thanh công chúa. Sau khi trở thành vợ vua, bà được phong làm Bảo Thánh hoàng hậu. Tháng 3 năm Quý Tỵ (1293), con trai bà là Anh Tông lên ngôi đã tiến phong mẹ mình là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu.

    Các sách như Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết có lần Trần Nhân Tông đã được bà che chở trước hổ dữ: “Thái hậu nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới. Thượng hoàng thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu rồi sai quân sĩ đánh nhau với hổ.

    Có lần Thượng hoàng ngồi xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Vì thềm lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ bỗng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy tan cả, duy chỉ còn có Thái hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu kêu gầm lên rồi vội vàng nhảy xuống, không vồ hại ai cả.

    Lại một lần Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì, con voi bỗng xông vào định lên trên điện, người hầu hai bên đều chạy tản chỉ còn mình Thái hậu vẫn ở đấy”.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nhà Hậu Lê bàn rằng: “Voi và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang, Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu vậy” (Đại Việt sử ký tiền biên).

    Lê Thánh Tông lấy một cô gái gánh nước làm vợ


    Vị Hoàng đế đa tài và cũng rất đa tình Lê Thánh Tông có rất nhiều giai thoại được truyền tụng trong dân gian, trong số đó có cả những chuyện thú vị giữa vua và các giai nhân. Không rõ có bao nhiêu điều trong đó là sự thật, bao nhiêu điều là do thêu dệt mà nên, nhưng theo danh sách những người vợ chính của vua Lê Thánh Tông mà cuốn Đại Việt thông sử ghi chép thì tất cả các bà đều là con gái các quan tướng trong triều, duy nhất có một người xuất thân bình dân và bà trở thành vợ vua cũng rất tình cờ.

    Người vợ này của vua Lê Thánh Tông họ Nguyễn (không rõ tên), sách Đại Việt thông sử cho biết về duyên kỳ ngộ giữa hai người như sau: “Bà là người xã Hòa Thược, huyện Kim Trà. Khi vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành dừng lại ở xã này, thấy bà gánh nước qua, có nhan sắc, vua đem lòng yêu bèn cho vào cung, được nhà vua quý mến. Lần lần phong đến bậc phi, về sau sinh ra Triệu Vương”.

    Theo chính sử thì năm Kỷ Sửu (1469), Lê Thánh Tông đích thân dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành, như vậy người con gái huyện Kim Trà (nay là Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được vua lấy làm vợ trong thời gian này. Kết quả mối tình giữa hai người là một hoàng tử tên là Lê Thoan, được phong tước Triệu Vương, ông là con trai thứ 13 của Lê Thánh Tông.

    Vợ Minh Mạng là con gái một danh tướng Tây Sơn


    Sau khi nhà Nguyễn thành lập, các vụ trả thù những người có cảm tình với triều Tây Sơn diễn ra khốc liệt và kéo dài nhiều năm. Ấy vậy mà một danh tướng Tây Sơn lại trở thành bố vợ một vị vua nhà Nguyễn thì thật là lạ kỳ.

    Vị vua đó là Minh Mạng, hoàng đế thứ 2 của triều Nguyễn và ông bố vợ của vua chính là tướng Ngô Văn Sở. Theo một số tư liệu thì Ngô Văn Sở bị giết năm Ất Mão (1795) trong cuộc tranh chấp nội bộ giữa các quan tướng Tây Sơn thời vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Nhưng có nguồn tư liệu cho hay thực ra Ngô Văn Sở không chết, ông thấy triều chính Tây Sơn ngả nghiêng nên bí mật bỏ trốn theo Nguyễn Ánh và mang một tên khác.

    Khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) tiến hành hàng loạt vụ trả thù nhà Tây Sơn đã phát hiện ra Ngô Văn Sở chính là viên tướng nổi danh một thời của Tây Sơn. Sách Liệt truyện cho biết Gia Long không giết Ngô Văn Sở mà chỉ cách chức Quản đạo trấn Thanh Hoa của ông vì “Sở làm việc lâu ở đó lại giỏi nên được tha tội chết”. Lý do nữa là Ngô Văn Sở lại là cha của bà Ngô Thị Chính, vợ hoàng tử Phúc Đảm (sau này lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng).

    Trong số hàng trăm phi tần, vua Minh Mạng chỉ sủng ái bà Hiền phi Ngô Thị Chính và và Lệ tân Nguyễn Gia Thị. Bà Ngô Thị Chính đã sinh cho vua 5 hoàng tử và 4 công chúa. Sự sủng ái của vua đối với bà còn thể hiện qua việc Minh Mạng phục chức cho nhạc phụ của mình là Ngô Văn Sở và phong cho em trai bà Hiền phi là Ngô Văn Thắng chức Cai đội.

    Vua Đồng Khánh trừng phạt các bà vợ


    Giống như bao vị hoàng đế khác, trong nội cung của vua Đồng Khánh có rất nhiều cung tần, mỹ nữ. Tháng 8 năm Ất Dậu (1885) ngay sau khi lên ngôi, Đồng Khánh đã ban dụ phong tước cho những người vợ của mình theo các bậc khác nhau là phi, tần, tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, tài nhân… chia nhau phụ trách, cai quản công việc ở tam cung, lục viện và vua căn dặn rằng: “Những người trên phải kính cẩn thực thi nội chức để việc trong nội cung được nghiêm chỉnh. Người xưa từng nói, phải tề gia rồi sau mới trị quốc, đó là điều trẫm vô cùng mong mỏi vậy”.

    Thế nhưng chỉ hai năm sau, vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1887) Đồng Khánh đã ban dụ nêu tội trạng và biện pháp trừng phạt đối với các bà vợ của mình. Sách Đồng Khánh chính yếu cho biết vua bực tức nói rằng: “Đặt ra chức vị phi, tần để chia nhau cai quản lục viện và kính cẩn cần mẫn, tiết kiệm cái ăn cái mặc hàng ngày, ngoài việc đó ra không có gì khác gọi là báo đáp… Nào ngờ bọn sâu mọt đó cam tâm vứt bỏ ân huệ, mỗi ngày một thêm lười biếng,… Vì vậy không thể không nghiêm khắc, tùy theo hạnh kiểm của từng người mà phân biệt nghị xử cho nghiêm nội cung”.

    Kết quả là vợ chính của vua là Hoàng quý phi do cai quản không tốt hậu cung nên bị nhắc nhở nghiêm khắc, Giai phi vì sớm biết hối lỗi nên được tha. Còn lại các phi tần khác, người thì bị vua đánh giá có cử chỉ thô tục, người bị coi là ham chơi bời lêu lổng, người thì bị quy kết có tính tham lam, đố kị… nên đều bị giáng cấp. Trong bài dụ của mình vua còn răn rằng: “Nếu vẫn giữ thói ấy thì mệnh lệnh đã đưa ra pháp luật sẽ tuân theo mà thi hành, lúc ấy khó bảo toàn được vị thứ” (Đồng Khánh chính yếu).
    nguồn:http://m.go.vn
    Loading...

Chia sẻ trang này