Không đậu đại học thì sao?

Thảo luận trong 'Kỹ năng mềm' bắt đầu bởi SV2013, 7/8/14.

Loading...
  1. SV2013

    SV2013 Thành viên chính thức

    Không đâu đại học thì sao? Ừ thì là năm nay em không vào học được trường mà em đã chọn. Là em phải (hay được) trải qua tuổi 18 của mình mà không cần ai lên lịch cho em. Em có cả một năm dài phía trước nếu em muốn bước vào kỳ thi lần sau, còn nếu không, em có cả cuộc đời phía trước. Nên nhớ từ “có”, em nhé, vậy em sẽ làm gì với cuộc đời em?

    Thông thường, nếu em tiếp tục ôn thi đại học, em sẽ làm thế này nè:

    Em xuýt xoa tiếc nuối, dậm chân chửi trời, nhủ thầm hoặc hét to: “Chỉ tại mình xui!” “Thiếu chút nữa thôi” “Tại saooooo….??” Có thể em sẽ khóc, ở một chỗ nào đó sau khi nhận được “hung tin”, em tức tưởi, bàng hoàng dù cho sự thật là em còn kém 1 điểm hay 10 điểm mới đậu đi nữa. Không sao hết, mấy cái này là cảm xúc thôi, mà cảm xúc thì nó cũng qua nhanh lắm. Em còn cả năm lận mà, buồn vài ngày hay 1-2 tháng cũng không có vấn đề gì em ạ!
    Cha mẹ em có thể an ủi, động viên năm sau thi tiếp, tìm chỗ học ôn hay là rầy la, chửi bới, sỉ vả… cũng tùy vào khả năng biểu đạt của họ mà thôi. Cho dù thái độ của họ ra sao thì cảm giác của em cũng rất tệ. Em thu mình lại, trốn trong phòng, trốn vào thế giới nào đó của riêng em và chỉ ló mặt ra khi… đói. Em nhạy cảm với mọi lời nói, hành động của những người xung quanh như thể là cả thế giới này xúm lại khinh bỉ em vì đã rớt đại học. Rồi em xù lông lên để phản ứng lại mọi người, em hằn học, cộc cằn, hay tệ hơn là chai lỳ, trầm uất…
    Rồi cũng qua, khi mấy đứa thi đậu đi học hết, em cũng lấy lại tinh thần và đăng ký một lớp học ôn. Em đến lớp và học khá tốt vì họ chỉ dạy lại những gì em đã học thôi mà. Tuy là vậy nhưng em vẫn không tập trung hết tinh thần vào đó được, vậy là em vẫn đến lớp ôn như kiểu đang học lớp 12. Về nhà em cũng không làm bài mà em tìm đến những thứ “giải sầu” khác. Tại em buồn mà! Em đọc tiểu thuyết tình cảm, em chơi game online, em rủ rê bạn bè nhậu nhẹt… em làm bất cứ thứ gì để được chìm vào trong đó. Thậm chí có khi em còn thay đổi luôn đồng hồ sinh học của mình: thức cho đến sáng rồi ngủ đến trưa hay đến chiều, chiều dậy tắm rửa đi chơi, tối về online đến sáng tiếp…
    Một năm “ôn thi đầy nhiệt huyết” của em cũng qua đi, em lại thi, và lại rớt…
    Nếu không ôn thi tiếp, em sẽ…
    [​IMG]
    Xét điểm vào một trường cao đẳng, trung cấp nào đó: Điều này có điểm tốt và điểm xấu. Điểm tốt chính là nó cũng là một con đường khác để học kiến thức, tìm việc làm. Sau khi học cao đẳng hay trung cấp em hoàn toàn có thể học thêm 1-2 năm để lấy bằng đại học. Điểm xấu chính là em sinh ra mặc cảm, tự ti với chính sự lựa chọn của em, em học lấy có lấy để, thế là em lại phí thêm mấy năm sinh viên trong các hoạt động “giết thời gian”, rồi ra trường không có việc làm. Hãy suy nghĩ cho kỹ và nếu đã chọn rồi thì hãy trân trọng sự lựa chọn của em.
    Bắt đầu một ngành kinh doanh nào đó: Bán hàng online, mở quán cafe, quán ăn vặt, quán internet… cái này theo Thầy là chỉ thành công nếu em xem nó là đam mê và sự lựa chọn thứ nhất chứ không phải đợi rớt đại học mới ra làm. Và quan trọng hơn là bước chân ra làm một ngành nào đó vất vả hơn và phải học hỏi nhiều hơn những người học đại học rất nhiều lần. Nhiều sinh viên cứ thần tượng Bill Gates hay Steve Jobs bỏ học mà vẫn thành công trong khi không biết họ đã cố gắng như thế nào mới được như vậy.
    Đi làm thuê: Đây là lựa chọn của một số em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nếu vậy thì đành chịu rồi, nhưng em đừng bỏ giấc mơ đại học, đi làm thì đi nhưng cố sắp xếp thời gian để ôn năm sau thi tiếp. Xác định làm thuê mà không có bằng cấp như vậy thì cả đời rất khó chuyển mình. Quan trọng nhất chính là nó sẽ tạo thành lối mòn và em không còn cơ hội quay lại sau vài năm.
    Điều Thầy muốn em biết và làm là:

    Em chính là người chịu trách nhiệm cuối cùng với cuộc đời em cho nên em cần phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Em cần phải tỉnh táo và suy nghĩ cho thấu đáo. Rớt là chuyện đã rồi, đừng để nó ảnh hưởng nữa mà hãy tập trung tính toán thật tốt cho tương lai gần cũng như xa.
    Rớt đại học năm đầu cũng không phải là chuyện gì quá to tát đâu em. Ở bên Tây có một xu hướng là học sinh cấp 3 sau khi tốt nghiệp họ sẽ nghỉ một năm (gọi là gap year) trước khi vào đại học. Trong một năm này họ sẽ dành thời gian cho bản thân: Đi du lịch, tập thể thao, làm thêm… để trải nghiệm và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, chín chắn hơn với lựa chọn của mình và tập trung hơn khi vào học đại học. Em có thể áp dụng điều này vào bản thân em, hãy tìm hiểu thêm về gap year nhé.

    Đừng để cha mẹ phải tiếp tục lo lắng cho em, đừng ngại ngùng xấu hổ mà hãy suy nghĩ thật kỹ càng rồi tâm sự thẳng thắn với cha mẹ: “Con đã rớt đại học rồi, con biết điều này làm cha mẹ rất buồn. Con đã suy nghĩ và quyết định sẽ thi lại vào năm sau, con mong cha mẹ ủng hộ quyết định này của con. Trong một năm tới, con sẽ lập kế hoạch cho mình, sẽ không để thời gian trôi qua lãng phí. Con sẽ đi làm thêm để kiếm tiền, sẽ tập thói quen ngủ sớm dậy sớm, con sẽ theo mẹ học nấu ăn để sau này tự nấu cho mình ăn khi đi học xa và nấu cho cha mẹ vài bữa ăn ngon, con sẽ ôn bài vào buổi sáng sớm và buổi tối. Ba tháng trước kỳ thi, con sẽ đăng ký ôn ở trung tâm, con sẽ học thật tốt. Con mong ba mẹ sẽ ủng hộ và góp ý cho con.” Nếu em nói được như vậy và làm được như vậy, Thầy nghĩ ba mẹ em sẽ mừng vì em rớt đại học!

    Hãy hạn chế những việc tiêu xài, mua sắm, đi chơi… hãy ở nhà “tu luyện” và quan tâm chăm sóc cha mẹ, làm việc nhà… em sẽ không cảm thấy mình vô dụng vì rớt đại học. Xài ít tiền đi cũng đỡ mặc cảm hơn! Quan trọng hơn chính là thời gian dành cho cha mẹ. Nếu năm sau đậu đại học rồi thì chẳng còn mấy khi được ở cạnh gia đình như vậy đâu, muốn chăm sóc hay nhìn mặt cha mẹ thôi cũng khó. Đây cũng là một cái tốt của việc “chậm vào đại học”

    Lúc ôn bài, đừng ôn vì “sợ rớt” mà hãy ôn để làm sao cho đậu. Bỏ chữ rớt ra khỏi đầu, hoàn toàn luôn nhé.

    Thầy nói cũng nhiều rồi, em đọc cũng đủ rồi. Nếu thấy hợp lý thì làm liền đi em: tìm hiểu xem “gap year” là cái gì, suy nghĩ và lập kế hoạch cho năm tới, gặp cha mẹ em và nói ra dự định của em, bắt đầu thay đổi thói quen, chơi thể thao, tìm việc làm và lật sách ra giải đề thi đại học.

    Cười lên đi, tươi lên nếu em muốn đậu! Và đừng để cái gì khác trong đầu ngoài hình ảnh em đậu đại học ra sao.

    Vậy nhé, đi đi em.

    Mùa thi 2014
    ST
    Loading...

Chia sẻ trang này