Kinh nghiệm luyện thi IELTS 2 ngày đạt 6.5 ( P2 ) – Rèn luyện kĩ năng Nghe – Nói

Thảo luận trong 'IELTS' bắt đầu bởi User, 20/3/13.

Loading...
  1. User

    User True Blue

    Xin chào tất cả các bạn. Tiếp tục câu chuyện của phần 2, hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn những phương pháp để học kĩ năng Nghe và nói.

    II/ Rèn luyện kĩ năng Nghe – Nói

    Nghe : Về mặt quy trình mà nói thì cách học phân môn này không khác gì với cách học Đọc cả, tức là đối với các bạn còn yếu thì nên bắt đầu bằng việc nghe những đoạn hội thoại đơn giản ( đơn giản về mặt từ vựng, cấu trúc câu). Yếu tố này các bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong các bộ phim hoạt hình của nước ngoài trên Cartoon Network hoặc có thể là các bộ phim người thật dành cho trẻ em. VD như mình bằng từng này tuổi rồi vẫn còn xem đi xem lại cái bộ “ 5 anh em siêu nhân “ ( Mighty Morphin Power Rangers – cái bộ mà có chị Thùy Trang đóng đấy ;)) ), mình xem không chỉ vì mình thích mà còn để học tiếng Anh nữa, đó cũng là 1 cách mình tạo động lực + hứng thú học cho riêng mình. Trong thời gian ban đầu như thế này thì các bạn không cần nghe để lấy nghĩa mà hãy nghe để lấy chữ. Nghĩa là sao ? Nghĩa là các bạn không nên chú tâm nhiều vào việc học từ mới trong giai đoạn này bởi vì đơn giản là chẳng có từ gì đáng để học :-j , các bạn nên chú ý nghe cách họ phát âm, cách họ nhấn trọng âm rồi từ đó phát âm theo ( mình sẽ đề cập kĩ hơn ở mục sau ). Tất nhiên nghe xong cái dễ rồi thì chuyển sang nghe những cái khó, phim truyện trên HBO, Star Movies, các kênh như CNN, BBC, Australia Network … Thời gian ban đầu các bạn chưa quen thì các bạn có thể xem phụ đề ( không sao cả ), tuy nhiên các bạn nên dần dần tập thói quen không nhìn vào chúng để cảm nhận được từng câu từng chữ người ta nói. 1 lời khuyên nữa là các bạn nên nghe trực tiếp từ các kênh truyền hình của người bản xứ nói tiếng Anh, chứ đừng nghe mấy kênh của dân châu Á mình như VTV4, VOV, NHK … bởi vì cho dù mình có học tiếng Anh tốt đến mấy đi chăng nữa thì cũng không thể phát âm hay nói chuẩn bằng người bản xứ. Việc nghe mấy kênh đấy thậm chí có thể sẽ dẫn đến việc các bạn nói sai của các bạn khi học theo người ta ( tuy nhiên quả thật điều này mình rất hiếm khi để ý thấy và phải công nhận là Đài Truyền hình đã tuyển chọn những người có năng lực và chuyên môn rất cao cùng với 1 ngoại hình xinh đẹp vào vị trí MC :-x ).

    Giống như cách học Đọc, khi nghe bất kì 1 đoạn hội thoại hay 1 bài nói nào , các bạn cũng luôn nên tự đặt cho mình 3 câu hỏi : Họ là ai ? ( họ tên gì, nam hay nữ, gồm mấy người, làm nghề gì ); Họ đang ở đâu ( cái này các bạn chỉ cần đoán dựa trên văn cảnh chứ không nhất thiết phải biết chính xác, ví dụ như 1 người đến phỏng vấn xin việc thì gần như là sẽ phải tiến hành ở văn phòng công ti chứ không thể nào ở vỉa hè ngoài đường hay nhà vệ sinh công cộng =)) ) ; Họ đang nói về cái gì ? ( đây là câu hỏi quan trọng nhất, buộc các bạn phải trả lời được và phải trả lời thật ngắn gọn, súc tích mà đủ ý bất kể người ta huyên thuyên dài cỡ nào đi chăng nữa – ví dụ như cả 1 bài nói dài của Barack Obama nhân dịp lễ khai giảng năm học mới của Mỹ ngày 28/9/2011 ở trường trung học Benjamin Banneker ở Washington, D.C nội dung chính là động viên tinh thần học tập của học sinh và củng cố niềm tin, sự quyết đoán của giới trẻ ) . Tất nhiên, để làm được như thế cũng là khá khó nhưng thời gian ban đầu ít nhất các bạn hãy cố gắng trả lời 2 câu hỏi đầu tiên cũng là đủ rồi, sau đó dần dần mới tiến lên câu 3 bởi vì đó là 2 câu dễ và cơ bản, là nền tảng đế suy luận câu 3 khi các bạn nghe bất kì 1 bài nào.

    Các bạn sau này đi thi IELTS hay cho dù đi ra nước ngoài học tập thì bất kể thế nào, các bạn cũng không phải chỉ có nghe mà có thể nhớ được hết mọi chi tiết, lời giảng mà phải ghi ra giấy để về nhà học nữa. Vì vậy, ngay từ lúc các bạn luyện, các bạn hãy tập làm quen với việc vừa nghe vừa viết. Viết cái gì ? Có vô vàn hình thức để viết, ví dụ như các bạn có thể viết từng từ từng chữ của lời người ta nói, hay chỉ viết 1 vài từ khóa quan trọng của câu, từ mới hay 1 từ vựng khó phát âm nào đó hoặc viết nội dung, ý chính của toàn bài nghe. Tóm lại, mình nhấn mạnh 1 điều : Cái việc viết cái gì không quan trọng bằng việc các bạn rèn luyện khả năng nghe và viết cùng 1 lúc. Điều quan trọng để hình thành được khả năng này đó là các bạn phải cảm nhận được câu chữ Tiếng Anh trong quá trình người ta nói, nghe là hiểu ngay, viết vào ngay. Mình thấy có nhiều bạn khi mới bắt đầu học rất hay có xu hướng dịch ra rồi mới viết vào ( tốn thời gian ) => đi luôn. Ví dụ, các bạn nghe “ Organic Chemistry “ thì các bạn phải viết ngay là “ Organic Chemistry “ chứ các bạn còn cố gắng gồng sức đi dịch ra là “ Hóa học hữu cơ “ nữa thì thôi thua rồi :-j . Chị Minh Hoa cũng đã viết : “Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá… thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm. Quá thông minh: vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp. Quá kinh nghiệm: Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà – trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ – mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa. “

    Nói qua thì có vẻ dài chứ 1 ngày các bạn chỉ cần bỏ ra 15 đến 20 phút bật đài hay các kênh truyền hình luyện nghe là đủ.

    Ngoài ra thì còn 1 loại nghe nữa đó là nghe nhạc, loại này thích hợp cho việc luyện nói và xả căng thẳng sau khi học, mình sẽ trình bày chi tiết hơn sau đây.

    Nói : Ban đầu thì quả thật đây là một phần mình rất yếu, kém nhất trong số 4 kĩ năng. Ban đầu, mình chỉ quan niệm 1 ý nghĩ rất đơn giản là cứ nói càng nhiều thì khả năng lưu loát của mình sẽ càng tăng cao hơn, kì thực kết cục lại không diễn ra như vậy. Mình không biết khi nói ta cần phải có những yếu tố gì để đạt được chất lượng bài nói. 1 ngày đẹp trời kia, mình đọc được 1 bài viết chia sẻ kinh nghiệm học của annyshinnizle bên tienganh.com.vn đạt 116/120 TOEFL IBT, quả thật bài viết đã khiến mình ngộ ra rất nhiều sai lầm. Sau đó, mình cũng đi tìm thêm 1 vài bài viết khác của các bạn chia sẻ về cách học nói. Tìm hiểu hết xong, tổng hợp lại cùng với những thành quả mà hiện tại mình đạt được, theo ý kiến riêng của mình thì sẽ có 3 yếu tố chính sau quyết định được chất lượng bài nói : phát âm ( pronunciation ) , ngữ điệu ( intonation ), ngữ pháp ( grammar ) .



    Đề hình thành được nền tảng cho việc luyện 3 yếu tố trên thì cần nhất các bạn phải sửa đổi 1 thói quen xấu của các bạn Việt Nam mình khi nói : nói quá nhanh. Điều này có thể là do ảnh hưởng từ việc các bạn xem phim ảnh Mỹ , thấy bọn trẻ hoặc mấy thằng da đen liến thoắng => nghe buồn cười, thấy hay => bắt chước theo, hoặc là do ảnh hưởng từ Tiếng Việt nữa. Để giải thích cho điều này này, chị Tú Quỳnh đã viết : “ Trừ phi bạn đã thực sự có thể nói chính xác và hay như người bản ngữ thì bạn KHÔNG NÊN nói nhanh. Nói nhanh sẽ làm bạn không kịp suy nghĩ ý cho câu kế tiếp và mắc nhiều lỗi ngữ pháp, từ vựng, phát âm. Vì vậy, bạn nên nói với tốc độ vừa phải và rõ ràng, không nuốt chữ. Khi nói chậm rãi, bạn sẽ có thể để ý nhấn giọng ở các ý quan trọng. Tuy nhiên, nói chậm rãi không đồng nghĩa với nói quá chậm, ê a từng chữ nhé. “ Vậy thế nào là nói với tốc độ vừa phải ? Mình lấy ví dụ luôn cho các bạn dễ hình dung : “ Michael Jackson “ trong “ Heal the world “ hay ” We are the world “ ( chứ không phải trong “ Billie Jean “ hay “Smooth criminal “ nhé =)) ) , “ Light the passion, share the dream “ của Olympic Bắc Kinh 2008 , “ Optimus Prime “ của “ Transformers “ , “ Barack Obama “ trong các bài phát biểu hay thậm chí là “ Ngô Bảo Châu “ khi nói tiếng Việt nữa, nhưng đừng có chậm quá như “ My heart will go on “ của “ Celine Dion “ . Các bạn xem phim, nghe nhạc hãy cố gắng tập nói theo họ nhé. Bản thân mình là người rất thích “ Transformers “ và mình cực kì ấn tượng với chất giọng vừa trầm vừa ấm, nhẹ nhàng mà rất có trọng lượng của “ Optimus Prime “ , chất giọng đúng với phong thái của thủ lĩnh quân đội Autobots nên mình thường hay xem đi xem lại những đoạn có lời nói của ông ấy và nhại theo giọng đó và tất nhiên là hiệu quả đi kèm thì cực kì đáng kể, không chỉ về phát âm, ngữ điệu mà còn học được từ vựng mới, thậm chí là cả chất, cái tài, cái tâm, cái đức của 1 người lãnh đạo nữa.

    Phát âm : Cá nhân ý kiến của mình thì đây là 1 phần quan trọng nhất trong khi nói, nếu như chỉ cần phát âm sai đi 1 chữ thôi cũng có thể dẫn đến việc người nghe không hiểu hoặc hiểu nhầm sang từ khác. Để luyện phát âm nhất thiết phải luyện từ căn bản, từ cách đọc các âm tiết cơ bản trong bảng như / a / , / e / , / i / , / i: / , / ei / , / t / , / b / , / l / , … Mấy cái này các bạn có thể dễ dàng tìm trên mạng các bài giảng của các thầy cô nước ngoài trên youtube với các từ khóa như “ American Accent training “ chẳng hạn. Các bạn vừa xem, nghe người ta dạy rồi tập phát âm lại đúng theo họ, hoành tráng hơn thì các bạn có thể đem thu âm lại giọng nói của bạn rồi nghe so sánh thì càng tốt. Như các bạn đã biết thì trong tiếng Anh có rất nhiều từ tưởng chừng đọc cực kì giống nhau nhưng thực ra lại khác nhau và nhược điểm của các bạn là khi phát âm ra lại không thể hiện được sự khác nhau đấy, dẫn đến việc Tây nó phải hỏi lại xem : “ Mày nói cái gì ? “ Mình lấy ví dụ một số cặp từ sau, bảo đảm là rất nhiều người đến giờ này vẫn chưa phân biệt được : Marie – Mary , hill – heal , w – uu , non – none , don – done, … Vì vậy, việc các bạn nắm vững cách phát âm những âm tiết cơ bản là cực kì quan trọng. 1 điều nữa : mỗi ngày, các bạn hãy dành ra 1 phút để tập đọc lại bảng chữ cái tiếng Anh A, B , C … ,=> rất tốt bởi vì trong bảng chứa gần như đầy đủ tất cả các âm tiết.

    Ngoài ra, một đặc điểm nữa các bạn cần chú ý đó là âm cuối ( ending sounds ). Đây có thể coi là 1 lỗi khá phổ biến đối với dân Việt Nam mình, nguyên nhân căn bản nhất cũng lại là do nói nhanh. Mình lấy ví dụ như từ “ world “, khi nói các bạn thường chỉ “ wơ “ mà lược đi mất âm “ l “ và “ d “ ở vị trí cuối , hay từ “ girl “ , đọc là “ gơ “ mà mất đi “ l “ … Việc thiếu âm cuối này có thể sẽ dẫn đến những hiểu nhầm về từ vựng khá là tai hại, ví dụ như từ “ might “, nếu thiếu âm “ t “ thì sẽ nghe ra là “ my “. Vì vậy, việc phát được ra âm cuối là 1 yêu cầu hết sức tối thiểu. Anh Trường Phan đã viết : “ Âm cuối rất quan trọng, sống chết gì thì cũng phải phun bọn chúng ra thật rõ thì người bản xứ mới hiểu mình được nhé. Khi bạn lắng nghe từ xa 1 người bản xứ đang nói chuyện, Vd: 1 bản tin BBC, bạn sẽ ko nghe gì cả ngoài các âm cuối vèo vèo xì xào. Việc cảm thấy khó khăn và nặng nề là do chưa quen và chưa biết cách nối từ khi nói :) “ .

    Bạn nào muốn tìm hiểu kĩ hơn có thể xem lại bài viết “ Những đặc điểm khó của phát âm tiếng Anh “ trong ghi chú của hội viết bởi chị Minh Hoa. Bản thân mình cũng đang nghiền ngẫm phần này và thấy cũng khá có ích .

    Điều cuối cùng, khi luyện phát âm thì các bạn nên để cho miệng mình ở trạng thái tốt nhất, bình thường nhất. Các bạn đừng có chống tay lên cằm hay lên má mà luyện mà hãy thả lỏng người, đầu ngước thẳng mà “ chém “ , có như thế thì âm tiết của các bạn phát ra nó sẽ tròn và chính xác hơn.

    Ngữ điệu : Yếu tố này chính là nhạc khi các bạn nói, mục đích là giúp cho người nghe cảm thấy lôi cuốn hơn vào bài nói của các bạn, nghe trôi chảy hơn, êm tai hơn, sinh động hơn. Một trong những nhược điểm thường thấy của các bạn đó là việc cả bài giọng của các bạn nghe phẳng lì, không trầm không bổng, không lên không xuống, nghe rất lạ là một, chán nữa là hai. Để luyện được ngữ điệu , nhất thiết các bạn phải nắm được các nguyên tắc cơ bản sau : Nếu là câu hỏi thì buộc các bạn phải lên giọng ở cuối câu, nếu là 1 câu tường thuật bình thường thì các bạn phải hạ giọng xuống khi kết thúc câu, nếu bài nói của bạn là cả 1 câu chuyện thì khi chưa kết thúc câu chuyện ở bất kì câu nào thì các bạn vẫn cứ lên giọng, đến khi nào hết rồi thì mới xuống ở những từ cuối cùng. Thế thì làm sao để luyện được cái món này ? Theo ý kiến của mình thì đây là phần dễ nhất trong số 3 yếu tố. Mình có 1 vài cách như sau, khi các bạn xem phim hoặc nghe nhạc của những người nói hay hát với tốc độ vừa phải thì các bạn hãy tập nói, hát theo giai điệu của họ, ý mình là các bạn hãy bắt chước như con vẹt ấy, sau đó các bạn thử tập nói 1 vài câu khác với số chữ gần tương đương đúng với cái ngữ điệu đó ( theo mình nhạc là 1 cách tập cực kì hiệu quả ). Dần dần các bạn sẽ cảm nhận được cái “ nhạc “, “ giai điệu “ của việc nói tiếng Anh và câu cú của bạn cũng sẽ có hồn hơn, nghe nó thú vị hơn. Các bạn cũng nên xem qua các bài giảng về luyện ngữ điệu của cô JenniferASL ( xem đủ cả 4 bộ a, b, c, d luôn nhé ), trên này mình thấy có dạy cả cách ngừng ngắt thế nào cho đúng để chỉnh ngữ điệu nữa, cực kì hữu ích hoặc các bạn có thể tìm thêm các đoạn băng khác tương tự dạy về phần này.
    Ngữ pháp : Đây có thể coi là một lỗi mà bất kì người học tiếng Anh nào khi nói đều mắc phải, dù ở bất kì trình độ nào thì đều gặp sai lầm ở mức độ ít hay nhiều nào đấy, bản thân mình cũng không phải là một ngoại lệ ngay cả cho đến thời điểm hiện tại. “ Triệu chứng “ thường thấy, ví dụ như : he don’t know , I cares , a lot of book ( cái này là thiếu âm cuối đây ) ; nếu nặng hơn thì rơi vào những cấu trúc phức tạp hơn, ví dụ như chia thể điều kiện loại 0 ,1 ,2 ,3 lẫn lộn nhau , sử dụng thì biểu hiện thời gian không chuẩn ( ví dụ câu có chữ since hoặc for lại đi dùng hiện tại hay quá khứ đơn ) … Tất nhiên để khắc phục được điều này thì đòi hỏi các bạn phải nói chậm. Hơn nữa, đối với các bạn còn yếu thì thời gian ban đầu khi nói, các bạn hãy cố gắng suy nghĩ thật kĩ về câu trước khi các bạn nói, suy nghĩ về động từ phải chia thế nào, về thì mà mình sẽ sử dụng, về các từ vựng mà các bạn sẽ dùng, về cách phát âm, nhấn âm của từng chữ. Ban đầu thì việc này có thể khá tốn thời gian nhưng sau 1 quá trình rèn luyện nhất định, các bạn sẽ quen được với việc đó và có thể đẩy nhanh, xúc tiến cái khoảng thời gian suy nghĩ của các bạn cho ngắn lại để có thể bật ra được lời nói 1 cách trôi chảy mà chính xác hơn. Khi đang nói các bạn vẫn phải để đầu óc mình hoạt động, phát hiện xem trong quá trình nói có sai chỗ nào không, nếu sai thì lập tức hãy chịu khó nói lại luôn cả câu chứ đừng chỉ lập lại có 1 cụm từ đó thôi nhé. Nói tóm lại, cách tốt nhất để luyện ngữ pháp đó là “ Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói “ .
    Thành thạo được 3 kĩ năng trên là các bạn tự dưng sẽ cảm thấy độ lưu loát của các bạn tăng lên vượt trội rồi. Và sau đó thì các bạn mới nên nghĩ đến việc tìm cách đưa những từ vựng khó, các thành ngữ vào bài nói để cho câu văn phong phú hơn, tránh việc lặp từ quá nhiều. Mình đang ở giai đoạn luyện cái này. Phương pháp theo mình đó là học từ vựng, suy nghĩ và nói chậm ( ngắn gọn là như thế thôi :D ).

    Một khó khăn nữa của các bạn khi gặp câu hỏi khó đó là các bạn thường không nghĩ ý được nhanh, sắp xếp ý không hợp lí hoặc ý của bạn đưa ra khá lủng củng, thiếu sức thuyết phục. Nguyên nhân 1 phần là do các bạn thiếu vốn từ vựng để diễn tả điều các bạn muốn nói, 1 phần nữa là do kiến thức hiểu biết của các bạn không đủ để trả lời các câu hỏi đó, các bạn tưởng là các bạn biết nhưng kì thực các bạn lại không biết. Về lí do thứ nhất, ngoài cách bổ sung từ vựng ra thì mình hôm nọ có nghe được 1 chia sẻ của chị Minh Hoa, theo mình thấy khá hay, bây giờ mình chia sẻ lại cho các bạn ( xin lỗi vì mình không nhớ từng chữ nên không trích dẫn được nhưng đại ý thì mình bảo đảm truyền tải đúng 100% :D ) . Điều quan trọng khi các bạn muốn nói là phải làm sao để cho người ta hiểu bạn muốn nói về cái gì nên không nhất thiết các bạn phải nói đúng được câu đấy mà các bạn có thể tìm câu khác với những từ khác dễ hơn, nội dung gần tương đương mà vẫn diễn tả được điều bạn định truyền tải đến người ta. Ví dụ như bạn định nói : “ Tonight I have an appointment, I cannot go out with you “ nhưng ngay lúc đó các bạn lại không nhớ ra được từ “ cuộc hẹn “ là “ appointment “ thì các bạn có thể kiếm câu khác đơn giản hơn như là : “ I am busy “, thế là được rồi =d> , người nghe vẫn sẽ thừa hiểu là “ Tối nay bạn sẽ không thể đi được “. Về nguyên nhân thứ 2 thì theo mình cách khắc phục triệt để đó là các bạn hãy tự mở rộng kiến thức xã hội của mình hơn, ở nhà thì các bạn thỉnh thoảng bật các kênh truyền hình phổ biến kiến thức như VTV2, VCTV6, Discovery Channel , hoặc các cuộc thi truyền hình như “ Ai là triệu phú “ , “ Đấu trường 100 “ … ; đến trường thì các bạn năng nổ tham gia vào các hoạt động đoàn thể, các tổ chức này nọ, các phong trào xã hội hoặc các câu lạc bộ tiếng Anh nữa, rất tốt cho việc mở mang vốn sống và kinh nghiệm của các bạn ngoài thực tế chứ không chỉ là học tiếng Anh đâu nhé.

    Trên đây, mình đã chia sẻ tất cả những kinh nghiệm của mình về cách học tiếng Anh. Tất nhiên các bạn không nên áp dụng máy móc những điều mình viết mà hãy linh hoạt, tham khảo và tự điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như trình độ của các bạn. Rất hi vọng những điều trên sẽ giúp đỡ được các bạn phần nào trong quá trình học tiếng Anh.

    Nhân ngày 8/3 thì mình cũng xin chúc tất cả các chị em phụ nữ trong hội thật hạnh phúc, không chỉ đạt điểm cao trong kì thi IELTS sắp tới mà còn thành công trong học tập, cuộc sống và gặp nhiều may mắn nữa.

    Mình xin gửi tới tất cả các bạn một lời khuyên về phương pháp học của Giáo sư Ngô Bảo Châu, anh đã chia sẻ trong lần anh đến giao lưu với học sinh, sinh viên Hải Phòng năm ngoái, theo mình rất hay và rất đáng để suy ngẫm. Khi đó, một bạn nữ ở chuyên Toán Trường THPT chuyên Trần Phú đã đặt câu hỏi : “ Được biết Giáo sư là người đã từng 2 lần dành được huy chương vàng ở kì thi Olympic Quốc tế, vậy Giáo sư có thể chia sẻ cho chúng em kinh nghiệm học của Giáo sư thời còn học ở phổ thông được không ạ ? “ Giáo sư đã trả lời : “ Các em hãy lấy thời gian làm người bạn của mình. Mỗi ngày em không nhất thiết phải học nhiều, nhưng hãy học một điều gì đó cho cụ thể. “

    Kì tới sẽ là phần 3, phần này mình sẽ chia sẻ những câu chuyện khá thú vị sau : mình đã làm gì trong 2 ngày luyện thi IELTS ngắn ngủi đó và những chiến thuật trước khi bước vào phòng thi và làm bài thi. Rất hi vọng sẽ chú ý theo dõi của tất cả các bạn.

    scholarshipplanet​
    Loading...

Chia sẻ trang này