Lớp 12 - Chiếc thuyền ngoài xa [ full - dàn ý]

Thảo luận trong 'Văn học lớp 12' bắt đầu bởi Thanh Hằng, 6/9/13.

Loading...
  1. Thanh Hằng

    Thanh Hằng Thành viên chính thức

    Lớp 12 - Chiếc thuyền ngoài xa [ full - dàn ý]
    Câu III.a. Theo chương trình chuẩn (5,0 điểm): Khối C ĐH 2009
    Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu).
    - Kim Lân và Nguyễn Minh Châu là hai nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Vợ nhặt ” và “Chiếc thuyền ngoài xa” là những truyện ngắn dung dị nhưng đã để lại nhưng ám ảnh sâu sắc trong lòng độc giả.
    - Qua hai thiên truyện, các tác giả đã giúp người đọc khám phá và rung động trước những “vẻ đẹp khuất lấp” của những con người lam lũ, đói khổ, đặc biệt là nhân vật người vợ nhặt và người đàn bà làng chài.
    - Vẻ đẹp khuất lấp là những vẻ đẹp không dễ nhận thấy, thường ẩn mình trong bề ngoài thô kệch, xấu xí… Nguyễn Minh Châu luôn tâm niệm: thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.
    - Người vợ nhặt và người đàn bà làng chài đều là những người vô danh tính, có só phận nhiều thua thiệt, bị cuộc sống dồn đẩy vào những hoàn cảnh trớ trêu, éo le…
    - Tuy nhiên, ở họ vẫn lấp lánh những vẻ đẹp:
    + Tình yêu cuộc sống mãnh liệt: người vợ nhặt bỏ qua những mạc cảm, sự sĩ diện… theo không một người đàn ông mới gặp để không bị cái đói cuốn xuống vực thẳm; người đàn bà làng chài nhẫn nhịn chịu đựng người chồng vũ phu để được hưởng niềm vui làm vợ, làm mẹ…
    + Đức hi sinh, lòng vị tha: người đàn bà làng chài không oán chồng, luôn nhận lỗi về mình trong bi kịch gia đình, luôn trân trọng, chắt chiu những niềm vui nhỏ bé; người vợ nhặt đã chấp nhận thực tế phũ phàng để cùng mẹ con Trang xây dựng tổ ấm gia đình…
    + Thấu trải lẽ đời: người đàn bà làng chài đã khiến Đẩu và Phùng ngộ ra những chân lí sâu kín của cuộc đời, người vợ nhặt đã hiểu thấu tấm lòng nhân ái bao dung của bà cụ Tứ mà thay đổi để trở thành dâu con trong gia đình….
    - Với việc khám phá, ngợi ca những vẻ đẹp khuất lấp tiềm ẩn của tâm hồn con người lao động bình dị, lam lũ, hai nhà văn đã góp phần tạo nên những giá trị nhân đạo mới mẻ và sâu sắc.

    Câu III.b. Chương trình Nâng cao (5,0 điểm): ĐH 2009 Khối D
    Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
    1. Giới thiệu chung:
    Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân
    - Từ cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Hai tập truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983) và “Bến quê” (1985) đã đưa Nguyễn Minh Châu lên vị trí “Người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của văn học nước ta từ sau năm 1975.
    - Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu tiên trong tập “ Bến quê “, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một tình hưống truyện vô cùng đặc sắc.
    2. Phân tích tình huống truyện
    a -Định nghĩa tình huống truyện: Là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
    b- Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện
    - Ở ngoài bãi biển
    + Nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho trên một vẻ đẹp mờ sương, mặt biển mà cả đời bấm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: hình ảnh chiếc thuyền lướt vó nhạt nhoà trong làn sương mù màu trắng buổi bình minh… Phát hiện ấy khiến người nghệ sĩ cảm thấy sung sướng hạnh phúc, tưởng tâm hồn mình được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi, bắt gặp các tận Thiện, tận Mĩ.
    + Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại phát hiện ra một sự thực trớ trêu và đầy nghịch lí như trò đùa quái ác của cuộc sống. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch dữ dằn độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách giải toả những ấm ức khổ đau. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của “chiếc thuyền ngoài xa” trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời. Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy.
    - Trong toà án huyện là nghịch lí: người đàn bà hang chài van xin để toà cho chị được sống cùng người chồng vũ phu. Câu chuyện về cuộc đời chị đã giúp cho nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu “ngộ” ra được những chân lí sâu sắc, éo le của cuộc đời.
    c-Ý nghĩa tình huống truyện:
    - Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật: cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong, không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người. Thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
    - Thể hiện một cách rõ nét nhất khả năng ứng xử, phẩm chất, tính cách của các nhân vật:
    * Người đàn bà:
    + Chịu nhiều thua thiệt, éo le của số phận, cuộc đời chất chồng những cay đắng khổ đau: vất vả trong công cuộc mưu sinh, thường xuyên bị hành hạ về thân xác, đau khổ dằn vặt về tinh thần
    + Nhưng ở chị vẫn ngời lên chất ngọc lấm láp từ cuộc sống còn nhiều vất vả đắng cay: nhẫn nhịn, chịu đựng hi sinh vì con, là người đàn bà từng trải sâu sắc, thấu hiểu các lẽ đời, vị tha, nhân hậu, bao dung, biết chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ để làm nên ý nghĩa cuộc đời.
    * Nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu
    + Là những người chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu vì sự sống của dân tộc, trở về với cuộc sống đời thường, vẫn say mê khám phá cái đẹp, đấu tranh với cái ác.
    + Hiện thực trớ trêu, đầy nghịch lí của cuộc đời đã giúp cho họ nhận thức được những chân lí, những lẽ đời sâu sắc.
    - Tình huống truyện góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm
    + Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng
    + Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.

    Đề câu 3 (5 điểm) thi HK2 BDTX 2008-2009 TP HCM

    1. Yêu cầu về kỹ năng :
    - Học viên biết cách trình bày cảm nhận một nhân vật trong truyện ( người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu ).
    - Biết làm bài nghị luận văn học, kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng,diễn đạt tốt, biết chọn những dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ vấn đề, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.Viết chữ cẩn thận, rõ ràng.
    2.Yêu cầu về kiến thức : Học viên có những cách cảm nhận và trình bày khác nhau, nhưng cần thấy được những ý cơ bản là:
    a. Nguyễn Minh Châu là môt trong những nhà văn tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới… Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác năm 1983, in đậm phong cách tự sự- triết lí của ông.
    b. Cảm nhận ở chị là một người phụ nữ hàng chài lao động nghèo, nhọc nhằn, lam lũ:
    - Tên gọi “người đàn bà” là một cách phiếm định…
    - Dáng vẻ bên ngoài: Trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, đường nét thô kệch, mặt rỗ, khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, tấm lưng áo bạc phếch, dáng đi mệt mỏi chậm chạp như một bà già…
    c. Chị cũng là hiện thân của sự bất hạnh, khổ đau thầm lặng, cam chịu: Bị chồng đánh, chị nhẫn nhục chịu đựng “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn…” Khi thấy thằng nhỏ Phác (con trai chị) xuất hiện, chị “chắp tay vái lấy vái để … những giọt nước mắt chứa đầy những nốt rỗ chằng chịt”…
    d. Nhưng qua điều đó cũng thể hiện ở chị một vẻ đẹp của lòng vị tha, tình yêu thương và đức hi sinh: là một người thấu hiểu lẽ đời…, chị sống với tâm niệm thiêng liêng của thiên chức làm mẹ, với một hạnh phúc giản dị “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”…
    đ. Qua nhân vật, nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện cái nhìn sâu sắc về con người: Mỗi người đều có những vẻ đẹp riêng nhưng không dễ thấy; phải đặt trong mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều. Người nghệ sĩ phải thâm nhập vào mạch ngầm của cuộc sống để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong con người…
    3. Biểu điểm :
    - Điểm 4 – 5 : Đáp ứng khá tốt các yêu cầu nêu trên, biết cách đưa ra các dẫn chứng tiêu biểu để làm rõ vấn đề ,cảm nhận về nghệ thuật tạm được, diễn đạt tương đối tốt, có thể còn mắc một số sai sót về câu, từ.
    - Điểm 2 – 3 : Trình bày được các yêu cầu cơ bản ; có thể đôi chỗ còn kể chuyện, đôi chỗ chưa được chính xác. Câu, chữ, diễn đạt tạm được .
    - Điểm 1: Chưa hiểu nhân vật, hoặc cảm nhận quá sơ sài, diễn đạt quá kém.Chữ viết khó đọc, mắc nhiều lỗi.
    - Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc có viết nhưng không có gì gắn với đề.

    - Người phụ nữ không tên là dụng ý của NMC. NHân vật sẽ hiện lên vừa khái quát vừa cụ thể. Chị là hiện thân, là tiêu biểu cho số phận, phẩm chất của vô vàn những người phụ nữa làng chài khác.
    - Ngoại hình:
    + Xấu xí, thô kệch (Khác với nét đẹp trong sáng, thánh thiện như đóa ban rừng của Mị)
    + Gợi ra cuộc sống lam lũ, vất vả- Số phận:
    +Vật chất: Nghèo khổ, lạc hậu: đông con, thuyền chật chội, những ngày biển động cả nhà ăn xương rồng luộc chấm muối… (ước mơ bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường).
    + Tinh thần: Bất hạnh: bị chồng đánh đập dã man, tàn nhẫn: 3 ngày trận nhỏ, 5 ngày trận lớn; CHị còn cảm thấy xấu hổ, nhục nhã; luôn nơm nớp lo sợ con mình sẽ bị tổn thương khi thấy cảnh mình bị đánh…=> Nghèo khổ, bất hạnh
    - Phẩm chất:
    + Cam chịu, nhẫn nhục
    + Bao dung, độ lượng
    + Giàu đức hi sinh
    => Yêu thương con vô bờ bến+ Từng trải, hiểu biết lẽ đời (thậm chí nhiều câu nói rất đỗi bình thường nhưng lại gần như triết lí khiến Đẩu và Phùng phải ngỡ ngàng).
    - Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Có nhiều nhưng nổi bật nhất là đối lập- tương phản:
    + Ngoại hình xấu xí ><><> “Hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn mỗi con người”
    - Số phận phẩm chất của người phụ nữ hàng chài này là số phận và phẩm chất của những người PN vùng biển nói riêng và phụ nữ VN nói chung

    Ðề: Hình ảnh người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

    - Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người có ngoại hình xấu xí. Những nét thô kệch ấy, trong lam lũ vất vả bởi những lo toan và mưu sinh thường nhật, khi đã ngoài 40, lại càng trở nên đậm nét.
    - Sức chịu đựng và sự hi sinh thầm lặng của người đàn bà làng chài làm nhiều người ngỡ ngàng
    + Vừa ở dưới thuyền lến tới chiếc xe rà phá mìn, chị đã bị chồng rút chiếc thắt lưng quật tới tấp. Nghệ sĩ Phùng tưởng chị sẽ tránh né hoặc kêu la. Nhưng chị cam chịu, nhẫn nhục, không kêu rên, không chống trả và cũng không chạy trốn. Chị chấp nhận những đòn roi như một phần cuộc đời mình; chấp nhận như cuộc sông của một người đi biển đánh cá phải đươg đầu với sóng to, gió lớn vậy. Muốn tồn tại thì phải chấp nhận.
    + Tuy nhiên, người đàn bà ấy cũng rất tự trọng. Chỉ sau khi biết được hành dộng vũ phu của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy đau đớn- vừa đau đớn vừa xấu hổ, nhục nhã. Chắc chắn đây không chỉ là sự đau đớn về thể xác. GIọt nước mắt đau khổ của người đàn bà đã trào ra. Đó là giọt nước mắt nhọc nhằn và chịu đựng.. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót, kể cả thằng Phác đứa con yêu của chị, và nhất là một người lạ. Thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm, nhưng người đàn bà ấy không hề bận tâm – một sự nhẫn nhục của người có nhân cách, có lòng tự trọng và thấu lẽ đời, có tình thương con vô bờ.
    + Khi ở tòa án huyện, chính người phụ nữ ấy đã đem đến cho phùng, Đẩu và người đọc những xúc cảm mới. ĐƯợc mời lên tòa án để giải quyết việc gia đình, lúc đầu chị rụt rè, tìm một góc dường chốn công đường kia để ngồi. CHị thấy sợ hãi khi đến một không gian lạ. Chị thật nhỏ bé, tội nghiệp ở chốn công đường kia. Cái thế ngồi là bị động, dù đã được Đẩu và phùng chia sẻ, cảm thông.
    + NMC đã dụng công nhấn mạnh vào sự đổi thay ngôn ngữ và tâm thế của người đàn bà hàng chài. Với chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng, lúc đầu chị thưa gửi, xưng con và có lúc van xin con lạy quý tòa. Khi đã lấy được tự tin, tâm thế đã thay đổi, người đàn bà đó đột ngột chuyển cách xưng hô: “chị cảm ơn các chú! Đây là lời chị nói thành thự, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn lam lũ, khó nhọc…” Một sự hoán đổi ngoạn mục.+ Người đàn bà ấy chấp nhận đau khổ, coi nõi khổ là lẽ đương nhiên. CHị sống cho con chứ không phải cho mình. Nếu phụ nữ chấp nhận đàn ông uống rượu, thì chị cũng chấp nhận bị đánh, chỉ xin chồng đánh ở trên bờ, dừng để các con nhìn thấy.ĐÓ cũng là một cách ứng xử nhân bản.
    + Ở đây. Lẽ đời đã chiến thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng cái tâm của một người thương con, thấu hiểu lẽ đời cũng là một thứ quyền uy có sức công phá lớn. Nó đã làm chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều.- Có thể nói, người đàn bà hàng chài là biểu tượng của tình mẫu tử. CHị quặn lòng vì thương con; chị đã cảm nhận và chấp nhận san sẻ nỗi đau với chồng, cảm thông và tha thứ cho chồng. VỚi chị, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù có những tính cách sứt mẻ, chưa hoàn thiện
    (sÁCH hướng dẫn ôn thi TN THPT 2008-2009)
    Trích:
    ĐỌc truyện này, mình cứ thấy hai hình ảnh đối lập: một người đàn bà lặng lẽ cam chịu, nhẫn nhục, cục mịch, xấu xi và một người đàn bà tươitansws, rạng rõ nụ cười trong bữa cơm gia đình. Dường như người đàn bà thứ 2 kia để lại ấn tượng sâu sắc hơn
    Chiếc thuyền ngoài xa
    I. Về thể loại - loại hình
    Có thể xếp Chiếc thuyền ngoài xa vào loại truyện mang tính chất luận đề, tức là loại truyện mà ở đó tác giả không giấu diếm ý định của mình muốn "luận" đến mức rốt ráo về một vấn đề nào đó của đời sống, của nghệ thuật. Thực ra, đã là một sáng tác văn học có giá trị, không tác phẩm nào lại không chứa đựng một cái nhìn, một tư tưởng của nhà văn về hiện thực. Nhưng trong tác phẩm luận đề, cái nhìn, tư tưởng này lộ ra ở bình diện thứ nhất, và mọi chi tiết, tình tiết, mọi hình ảnh đều được đưa vào một quan hệ mang tính "sắp đặt" rõ rệt. Dĩ nhiên, đối với những nhà văn tài năng (như Nam Cao với truyện Đôi mắt, như Nguyễn Minh Châu với các truyện ngắn Bức tranh, Bến quê, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa,...), việc tô đậm luận đề không đồng nghĩa với việc biến mọi sự kiện, nhân vật được kể tới thành một cái "loa" phát ngôn tư tưởng thuần tuý. Tính thẩm mĩ, sống động của các đối tượng vẫn luôn được coi trọng. Những điểm dị thường, phi lí (theo cách nhìn nhận thông thường), nếu có xuất hiện, đều cần được nhìn nhận dưới một ánh sáng khác. Chúng tồn tại như các biểu hiện đặc thù thuộc phạm trù "loại" của truyện luận đề. Hiểu như thế, độc giả có thể sẽ thôi bắt bẻ việc nhà văn đưa vào tác phẩm một số chi tiết không "thực" (như chi tiết người đàn ông làng chài đánh vợ, trút giận dữ theo đúng... thoả thuận). Quả tình, lúc mới xuất hiện, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trong hai tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985) đã từng bị "phê" trên vấn đề này. Cần nói thêm là loại truyện luận đề thường xuất hiện vào những thời điểm mà các nhà văn có nhu cầu tuyên ngôn về quan niệm sáng tác - thời điểm có những bước ngoặt trong sự phát triển của văn học nói chung.
    Chiếc thuyền ngoài xa lấy cảm hứng từ các vấn đề thế sự. Có thể gọi cảm hứng của nó là cảm hứng thế sự, khác với cảm hứng sử thi - lãng mạn từng chi phối sáng tác Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975. Đặc điểm của tác phẩm mang cảm hứng thế sự là hướng về sinh hoạt hàng ngày của con người, khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, đi sâu khám phá hành trình của con người giữa một thực tại ngổn ngang nhằm tìm kiếm hạnh phúc và khẳng định nhân cách. Loại tác phẩm này biểu thị sự đổi mới trong quan niệm của nhà văn về tính chân thực của văn học, nhằm đưa văn học thoát khỏi tình trạng "minh hoạ" hay "tô vẽ", đề cập những chuyện xa lạ với mối bận tâm chính của bao con người đang phải lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, trong một hoàn cảnh đất nước đang đối diện với vô vàn khó khăn của thời hậu chiến. Sẽ rất thú vị nếu ta đọc Chiếc thuyền ngoài xa trong sự so sánh thường xuyên với những truyện khác của Nguyễn Minh Châu hay của một số nhà văn khác được sáng tác trong không khí sử thi của những ngày đánh Mĩ trước đây.
    Do ý thức được rất sâu sắc về sự bất cập của loại sáng tác văn học ưa ban phát chân lí và "dắt tay độc giả", trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu muốn theo đuổi một lối viết giàu tính đối thoại dân chủ với người đọc. Ta không bắt gặp ở đây những kết luận dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống bày ra nhiều nghịch lí, luôn bắt ta phải suy nghĩ lại về vô số vấn đề, trên cơ sở biết khắc phục, loại bỏ những định kiến, thành kiến, những thói quen nhìn nhận, đánh giá rất khô cứng đối với con người và sự vật, sự việc. Trước những tác phẩm như truyện ngắn này, tính tích cực của độc giả luôn được thử thách.
    II. Tiếp cận văn bản
    Tên truyện ngắn là Chiếc thuyền ngoài xa. Cái tên ấy dễ gợi liên tưởng đến một cái tên đối ứng : Chiếc thuyền vào gần (hay đến gần). Có lẽ đây là phản ứng tâm lí ở độc giả mà nhà văn muốn "thấy", bởi nhờ nó, cái "tứ" của truyện ngắn sẽ được người ta nhận thức một cách sâu sắc. ở ngoài xa, chiếc thuyền giống như biểu tượng của cái toàn mĩ, khiến khi chiêm ngưỡng nó, trong ta dấy lên những xúc cảm trong trẻo, nhẹ nhõm, lâng lâng. Còn vào gần, chiếc thuyền lại đưa đến biết bao bối rối, làm ta phải không ngừng trăn trở, dằn vặt. Tương quan giữa cái xa và cái gần ở đây hoá ra cũng là tương quan giữa cái bề ngoài và cái bề trong hoặc bề sâu. Nhìn từ xa, ta chỉ thấy được cái bề ngoài thơ mộng (hay ngỡ là thơ mộng) của sự vật, còn nhìn gần, ta mới có cơ hội phát hiện cái bề trong phức tạp không cùng, thậm chí gai góc của nó. Vậy, nên nhìn sự vật từ xa để khỏi "mua phiền, chuốc não", hay gắng tiếp cận sự vật ở tầm gần để lương tâm được thanh thản ? Đều hướng tới sự thanh thản cả, nhưng "thanh thản" theo kiểu thứ nhất gần như đồng nghĩa với thái độ sống hoặc vô tâm, hoặc cố tình "làm lơ" trước mọi sự, còn thanh thản theo kiểu thứ hai thì lại mang ý nghĩa đạo đức cao cả, gắn với thái độ can dự có trách nhiệm đối với đời và sẵn sàng chấp nhận những nhọc nhằn, khổ não. Tất nhiên, đối với tác giả truyện ngắn, sự lựa chọn hướng về phía nào đã rõ ràng, dứt khoát. Theo ông, nghệ thuật phải cất lên tiếng nói về sự thật cuộc đời và người nghệ sĩ phải biết tập trung nhãn lực, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài "óng ánh" đôi khi mang tính chất lừa mị để nhận chân bản chất sự vật. Nhưng tác giả còn thấy thêm rằng : thực ra, việc nhìn sự vật ở tầm gần không hề làm triệt tiêu cảm xúc về cái đẹp, ngược lại, nó càng làm cho cảm xúc về cái đẹp có thêm chiều sâu (dĩ nhiên, cái đẹp lúc này đã được định nghĩa lại trên một nền tảng nhận thức mới về cuộc sống và nghệ thuật). Thấm nhuần tất cả những điều trên, người nghệ sĩ sẽ có được khả năng hành xử tự do trong quá trình sáng tác. Phùng - người phóng viên nhiếp ảnh trong truyện - đã không dại dột tự tước đoạt của mình cái quyền chụp ảnh "chiếc thuyền ngoài xa". Nhưng khi chính anh đã thấy được cái bề sâu của sự vật, bức phong cảnh "thuần tuý" do anh sáng tác vẫn có thể giúp người ta nhận ra bao nhiêu câu chuyện đời. Thì ra, đối tượng miêu tả cụ thể là quan trọng, nhưng một điều khác còn quan trọng hơn nhiều lần chính là thái độ, cách nhìn đúng đắn đối với con người và thực tại. Nếu "đọc ra" những suy tư thâm trầm này của nhà văn, độc giả hoàn toàn có thể giải thích được tính hữu lí của cái cảm giác "lạ lùng" mà nhân vật Phùng gặp phải (được kể tới ở cuối truyện) : "Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái mầu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy ở bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông...".
    Từ điểm nhìn ngày hôm nay, có thể khẳng định : luận đề đặt ra trong Chiếc thuyền ngoài xa thật sự có ý nghĩa, không chỉ đối với Nguyễn Minh Châu mà còn đối với cả nền văn học cách mạng Việt Nam thời kì từ sau 1975 đến những năm Đổi mới. Chính nó cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao đối với văn chương và trên hết là đối với cuộc đời của tác giả. Đồng thời, nó cũng biểu lộ nỗ lực lớn, khát vọng lớn của ông muốn đổi mới văn học, đưa sáng tác thoát khỏi thói quen mĩ hoá, lí tưởng hoá hiện thực (mà các tiểu thuyết, truyện ngắn được viết ra trong thời chống Mĩ của chính ông đã góp phần tạo nên) để tiếp cận được "chất văn xuôi" của đời sống, để đi sâu khám phá số phận con người - vấn đề cốt tử quy định chiều sâu nhân bản của một nền văn học.
    Một luận đề hay nếu không được biểu hiện bằng hình tượng nghệ thuật sinh động thì chắc chắn không gây được những ám ảnh lâu dài và sâu sắc. Là người viết, Nguyễn Minh Châu ý thức rất rõ về điều này. Bởi vậy mà ông có Chiếc thuyền ngoài xa từng gây được dư luận sôi nổi, đa chiều ngày nó mới ra đời. Không ít người đọc vào thời điểm đó có cảm giác khó khăn khi đến với tác phẩm. Do đã quen với một Nguyễn Minh Châu (nói rộng ra là quen với một loại hình sáng tác) thích hướng ngòi bút về những vấn đề của lí tưởng, luôn thể hiện niềm tin lãng mạn về con người và cuộc đời, lại thường "bao bọc nhân vật trong một bầu không khí vô trùng" (Ni-ku-lin), người ta bị "vấp" liên tục trước những tình huống nghịch lí mà nhà văn miêu tả trong Chiếc thuyền ngoài xa. Có một cái gì đó không thông thoát trong cái nhìn của nhà văn về cuộc đời chăng ? Có phải sự rối trí đã xuất hiện ở cây bút chiến sĩ thường vẫn vững vàng trong nhận thức tư tưởng ? Lại nữa, liệu có thể nói tới sự "non tay" của tác giả khi xử lí các chất liệu hiện thực nhằm làm sáng tỏ cái luận đề đã được xác định trước ? Tất cả những phân vân đó của một bộ phận người đọc không phải không có lí. Trong văn học cách mạng, từ trước đến khi ấy, thật hiếm có một tác phẩm trưng ra cái hiện thực bộn bề như vậy mà không kèm theo những kết luận đủ rõ ràng để hướng đạo cho độc giả. Nhưng đã quyết chọn con đường đổi mới nghệ thuật, nhà văn không thể nản bước. Trong khi có thể chưa tự tin lắm vào lí trí (và một phần vào tính hoàn thiện của tác phẩm), Nguyễn Minh Châu lại tỏ ra rất yên tâm với mẫn cảm nghệ sĩ của mình. Đối với ông, hành trình viết cũng là hành trình nhận thức, hành trình truy cầu sự thật. Trước khi các "tình huống nhận thức" trong truyện làm lay chuyển những thói quen suy xét vấn đề của độc giả, chính chúng đã làm nhà văn "ngộ" ra bao điều hệ trọng về cuộc sống, về sứ mệnh của văn chương.
    Có thể xem nhân vật Phùng là sự hoá thân của tác giả. Cho anh đóng vai người kể chuyện trong tác phẩm, nhà văn muốn có điều kiện bộc lộ gần như trực tiếp những suy nghĩ của mình trước một hiện thực được nhìn ở tầm gần. Tất nhiên, giác ngộ chân lí là cả một quá trình. Tác giả hẳn có chủ ý khi tô đậm niềm xúc động của Phùng lúc anh phóng viên này tình cờ bắt gặp "một cảnh "đắt" trời cho" trên đường "săn ảnh" - cảnh chiếc thuyền bơi trên mặt biển trong sương mù của buổi bình minh. Phùng là một nghệ sĩ nhạy cảm - điều này đã hiển nhiên. Nhưng "thông tin" chính mà tác giả muốn đưa tới cho người đọc không nằm ở đó. Cái ông muốn báo hiệu là : tạng chất nghệ sĩ theo kiểu của Phùng có cơ đưa người ta đến thái độ dễ bằng lòng với những vẻ đẹp bề ngoài của sự vật, trong khi ở đời, mọi chuyện phức tạp hơn thế nhiều. Quả vậy, khi chiếc thuyền "đâm thẳng" vào chỗ Phùng đứng để khởi đầu cho việc "trình diễn" một loạt chuyện dị thường, Phùng thoạt đầu chỉ biết "đứng há mồm ra mà nhìn" trong trạng thái kinh ngạc tột độ. Rõ là Phùng hoàn toàn chưa có ý thức chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện với muôn nghịch lí của cuộc đời. Tiếp theo cú sốc đầu tiên khi vô tình chứng kiến cảnh người đàn ông thuyền chài đưa vợ hắn ta lên bờ để đánh trút giận, Phùng còn phải trải qua nhiều đợt "kinh ngạc" nữa : cậu bé Phác vốn thân với anh bỗng xa lánh và dường như thù ghét anh ; người đàn bà được anh "cứu" xem ra không mấy biết ơn ân nhân bất đắc dĩ, thậm chí còn muốn anh không can dự vào chuyện của chị ta ; kẻ bị hành hạ dứt khoát không muốn bỏ người chồng đã nện mình như cơm bữa... Sau khi tận mắt chứng kiến những sự thật xót xa của cuộc đời, cũng là những điều "không thể nào hiểu được" (dù đã cố tìm mọi cách giải thích, theo định kiến và giới hạn hiểu biết của mình), Phùng dường như đã đổi khác. Chi tiết tả anh "khoác chiếc máy ảnh đi lang thang cho đến tận khuya" gián tiếp nói lên điều đó. Anh không còn hứng thú "triết lí" và thậm chí mất khả năng "triết lí" một cách dễ dàng về mối quan hệ giữa cái đẹp và đạo đức như khi đứng ngắm hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Anh để ngỏ tâm hồn cho bao cảnh sắc của một hiện thực ít thi vị ùa tới, choán đầy, xôn xao cất lời bằng tiếng nói riêng của chúng : "mây đen xếp ngổn ngang trên bãi biển đen ngòm", "sóng bạc đầu ngoài cửa lạch nổi cồn lên, cao như những ngọn núi tuyết trắng", "những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên", "con thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá",... Đối với anh lúc này, hẳn những kết luận sẵn có về cuộc đời bỗng trở nên quá nghèo nàn và hời hợt. Chúng tan đi, nhường chỗ cho những cảm giác mới tụ lại và lớn dần lên.
    Trong truyện ngắn, không chỉ có Phùng - nhân vật kể chuyện - mới trải qua quá trình từ ngạc nhiên tới vỡ lẽ và "bừng ngộ". Ông bạn Đẩu của anh cũng gặp tình huống nhận thức tương tự. Là chánh án Toà án huyện, Đẩu muốn xếp đặt mọi việc đúng với pháp luật và cũng thuận theo lẽ phải thông thường. Thế nhưng, anh luôn bị bất ngờ và những giải pháp "đúng đắn" mang tính lí thuyết do anh đề xuất đã bị thực tế đời sống bác bỏ. Người đàn bà đau khổ nọ đã từ chối việc li hôn theo lời khuyên của anh. Anh từng không hiểu "thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông", không hiểu cái lí của sự cam chịu ở những con người sống trong vòng vây của đói nghèo và lạc hậu, cũng không hiểu sự đan cài rối rắm giữa tình thương và hành động tàn nhẫn, giữa niềm vui và nỗi buồn trong một gia đình... Việc nghe chuyện của người đàn bà thuyền chài đã khơi lên trong anh cuộc đối thoại gay gắt giữa thói quen suy nghĩ một chiều và thái độ chấp nhận tính phức tạp muôn thuở của cuộc sống. Cuối cùng, "một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển". Rồi Đẩu có đưa ra được giải pháp mới nào không để giải quyết "sự vụ" của gia đình thuyền chài ấy ? Điều này tác giả không nói tới. Mà biết nói làm sao bây giờ ! Cuộc sống dễ gì chấp nhận sự sắp đặt duy ý chí của chúng ta. Hãy để các phương án giải quyết vấn đề tự chúng hình thành trong đầu mỗi độc giả...
    Nhìn bề ngoài, điều mà hai nhân vật Phùng và Đẩu vỡ lẽ trong hành trình nhận thức không hoàn toàn giống nhau. Chẳng có gì khó hiểu một khi ta đã biết công việc và nghề nghiệp của hai người vốn khác nhau. Nhưng xét ở bề sâu, các chân lí được giác ngộ rất thống nhất. Chuyện của Đẩu vốn được kể qua lời của Phùng, vậy nên, nhận thức của Đẩu đã được "tích hợp" vào nhận thức của Phùng - một nghệ sĩ. Nếu cần khái quát, ta có thể nói : vấn đề nhận thức trung tâm được đặt ra trong Chiếc thuyền ngoài xa chính là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vấn đề tuy không mới nhưng lại bắt ta phải không ngừng suy nghĩ. Mỗi nghệ sĩ, mỗi thời kì văn học nghệ thuật sẽ có một lời giải của riêng mình. (Phan Huy Dũng)
    Loading...
  2. SV2013

    SV2013 Thành viên chính thức

Chia sẻ trang này