Bình luận "kẻ mạnh, yếu", đề Văn "khó nhưng thú vị"

Thảo luận trong 'Thông tin tuyển sinh' bắt đầu bởi tkt057, 10/7/14.

Loading...
  1. tkt057

    tkt057 Moderator

    Nhiều thí sinh có chung nhận xét đề Văn khối C khá lạ và khó khiến nhiều bạn bỡ ngỡ. Nhiều bạn cho rằng để làm được bài phải có khả năng phân tích tốt.

    [​IMG]
    Thí sinh ra về sau khi thi xong môn Văn tại hội đồng thi trường đại học Sư Phạm TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa


    Tại điểm thi THPT Nguyễn Hữu Thọ, hội đồng thi ĐH Luật TP.HCM thí sinh ra khỏi phòng thi sớm đều nhăn mặt vì đề Văn lạ và khó. Nguyễn Thị Tuyết (quê Bình Dương), thi vào ngành luật hình sự của ĐH Luật cho biết: "Đề năm nay làm cho mình bỡ ngỡ, câu 1 có 3 yêu cầu nhỏ, câu 2 nói về kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình, câu này mình có liên hệ yếu tố thời sự biển Đông, cụ thể là phía Trung Quốc, một kẻ mạnh không chân chính. Còn câu cuối là về bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", dù đã được ôn tập trước nhưng mình chỉ nghĩ đề sẽ ra thơ hoặc truyện như bình thường chứ không nghĩ lại ra thể loại bút ký như thế này".

    Cũng thi vào ngành luật hình sự ĐH Luật, thí sinh Trần Thị Ngọc Thuận (quê Trà Vinh) không tự tin vào khả năng đậu của mình sau khi hoàn thành môn thi cuối. Đánh giá đề Văn, thí sinh này nói: "Câu 1 đề trích 1 đoạn trong bài thơ "Đò lèn", vốn là bài trong phần đọc thêm, nên khá lạ, đòi hỏi khả năng phân tích tốt. Câu nghị luận bàn về một câu nói về kẻ mạnh, từ đó nêu sức mạnh chân chính của một cá nhân và cả một quốc gia. Còn câu 3 là câu khó, với yêu cầu bình luận, chứ không phải cảm nhận, về 2 đoạn trích nói đến sông Hương, vốn ít được quan tâm nên làm thí sinh bối rối. Nói chung theo mình đề hay, mở, hoàn toàn không có lý thuyết, cũng từ sách giáo khoa nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng cao".

    Phải có kiến thức xã hội

    Nhiều thí sinh dự thi khối C vào trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tại điểm thi ĐH Bách Khoa đã cho biết đề Văn năm nay vừa sức và có câu nghị luận xã hội rất hay. Đề gồm 3 câu, câu 1 ra tác phẩm Đò Lèn của Nguyễn Duy, câu 2 yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về câu nói "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu", câu 3 yêu cầu thí sinh phân tích vẻ đẹp thiên nhiên tình tứ, thơ mộng và vẻ đẹp trầm tích của bề sâu lịch sử Huế qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

    Thí sinh Phan Thị Ngọc Hân, quê Khánh Hòa vui vẻ cho biết: “Đề thi năm nay ra theo hướng mở, không đặt nặng thí sinh phải học thuộc lòng như trước. Câu nghị luận xã hội trong đề khá hay: “"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên lợi ích của người khác mà phải là kẻ giúp đỡ kẻ yếu", em rất tâm đắc với câu này và đã lồng thêm ý về quan hệ giữaViệt Nam và Trung Quốc, cách Trung Quốc hành xử như một kẻ mạnh để ức hiếp các nước khác”.

    Cùng tâm trạng phấn khởi, thí sinh Đậu Xuân Tú, quê Nghệ An chia sẻ: “Đề năm nay vừa sức, cấu trúc và cách ra đề mở tương tự như kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. Câu nghị luận xã hội hỏi thí sinh quan điểm về kẻ mạnh, kẻ yếu rất hay. Hầu hết thí sinh đều nêu cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc với Việt Nam vào bài để làm ví dụ. Câu nghị luận văn học năm nay chỉ cho một tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông nhưng lại yêu cầu phân tích cả vẻ đẹp của sông Hương, của Huế và bề sâu trầm tích lịch sử nên cũng không đơn giản”. Tú còn nhận định: “Đề văn này không buộc thí sinh phải thuộc lòng như vẹt nhưng phải có kiến thức xã hội và kiến thức văn học vững vàng mới đạt điểm cao được.

    Thí sinh Phan Nguyễn Nhã Uyên dự thi vào ngành xã hội học cho biết: “Đề Văn năm nay không khó, nhưng phải thật bản lĩnh mới đạt điểm cao. Câu nghị luận xã hội rất hay sẽ khiến thí sinh dễ sa đà vào viết nhiều, viết dài khiến không đủ thời gian làm câu nghị luận văn học nhiều điểm hơn. Em rất thích những đề thi ra theo hướng mở thế này, nhưng cũng sợ mình nghĩ sao làm vậy sẽ khó được điểm cao do không đúng ý người chấm bài”.

    Tại Cần Thơ, hầu hết thí sinh đều cho là đề thi môn văn năm nay rất khó, có tính phân loại rất cao, nhất là phần cảm nhận và phân tích, đòi hỏi mức độ hiểu bài và tư duy cao, phải thể hiện quan điểm của mình một cách sâu sắc, rõ rệt. Tại hội đồng thi trường ĐH Cần Thơ, đa số thí sinh cho rằng năm nay đề thi năm nay không có cửa cho những người học vẹt. Với đề thi khó như năm nay, nếu học trung bình kiếm chỉ được3-4 điểm, học khá 6-7 điểm, còn từ 8 điểm trở lên rất khó kiếm.

    Thí sinh Nguyễn Văn Hậu thi vào ngành sư phạm Địa, trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Đề thi có 3 câu. Câu 1 đọc hiểu, rất dễ nên đa số thí sinh đều làm được. Hai câu còn lại nằm trong chương trình lớp 12, nhưng bung rộng ra yêu cầu thí sinh phải có kiến thức về thực tiễn cuộc sống, nếu thí sinh sáng tạo, tư duy càng cao, phân tích sâu sắc thì càng lớn điểm…Chẳng hạn câu 3, mọi năm thường cho phân tích nhưng năm nay đòi hỏi cao hơn, buộc thí sinh phải đọc hiểu sâu, nắm vững và phân tích được quan điểm của tác giả, trên cơ sở đó thí sinh mới đưa ra được nhận định của riêng mình…”.

    Hậu cho biết mình rất thích câu 2 “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp người khác…” bởi qua câu này em được trình bày quan niệm sống của mình. Em cũng liên hệ thực tế về tình hình thời sự nóng bỏng ở biển Đông thông qua hành động Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng. Tuy nhiên theo ý kiến của em đề nên cho trực tiếp về biển Đông sẽ hay hơn cho gián tiếp”.

    "Đàn ghi ta của Locra" làm khối D bối rối

    Theo ghi nhận tại TP.HCM, vừa dứt 2/3 thời gian, nhiều thí sinh tại cụm thi trường THCS Hà Huy Tập đã ra khỏi phòng thi. Các thí sinh này cho biết khá bỡ ngỡ vì đề thi văn khối D năm nay lạ ở câu 5 điểm.

    Một thí sinh vừa thi xong cho biết, câu nghị luận xã hội nói về sự cống hiến và hưởng thụ khá hay, nhưng câu 5 điểm nghị luận văn học thì lạ và khó. “Đề ở câu 5 điểm cho hình tượng Lorca rồi đưa ra 2 ý kiến buộc thí sinh phải đưa ra quan điểm bình luận. Em không ôn bài này và cũng hơi bối rối ở cách làm nên chỉ làm được qua loa”.

    Cùng quan điểm, thí sinh Trần Bảo Trân cho biết: “2 câu đầu em làm được nhưng câu 3 thì bị khựng vì cách ra đề khá lạ. Em có ôn bài thơ Lorca nhưng không tự tin lắm về bài làm”.

    Một thí sinh khác ở Phan Thiết (Bình Thuận) chia sẻ: “Thầy cô ôn kĩ ở phần truyện là nhiều, hầu hết những bài thơ chỉ ôn qua loa nên em làm khá sơ sài. Em thấy đề năm nay khó hơn năm ngoái, không biết mình có làm được 50% không”.

    Tại Đà Lạt, nhiều thí sinh dự thi khối D môn văn tại hội đồng thi đại học Đà Lạt nhận định đề thi môn văn năm nay vừa sức, không khó hơn so với đề năm trước. Cấu trúc đề cũng không có gì bất ngờ, giống mọi năm gồm ba câu.

    Đa số thí sinh cho biết, rất dễ dàng làm bài với câu đầu tiên liên quan đến phân tích từ, điệp từ, ý nghĩa của đoạn thơ. Ở câu thứ hai, thí sinh phải tư duy để trả lời câu hỏi nghị luận xã hội mở. Riêng câu ba, phân tích hình tượng đàn Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Locra, nhiều thí sinh cho rằng không khó nếu ôn tập đúng chương trình THPT.

    “Đề ra vừa sức, thời gian đủ thoải mái nên làm bài với tâm lý thoải mái. Câu một và hai làm khá dễ, câu ba thì phải yêu cầu nắm vững bài thơ” - thí sinh Trần Thị Minh Nguyệt dự thi vào ngành du lịch, ĐH Đà Lạt cho hay.


    Đình chỉ thi một thí sinh dùng tài liệu môn Văn

    Sáng 10-7, tại phòng thi 92, Khu H, điểm thi ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trong buổi thi môn Văn, cán bộ coi thi đã phát hiện thí sinh Ngô Thị Thùy Nhung sử dụng tài liệu làm bài. Ngay lập tức, thí sinh này bị lập biên bản đình chỉ thi. Cũng trong buổi thi sáng 10-7, tại điểm thi Ngô Quyền, thí sinh Nguyễn Xuân Dương đang làm bài thi được 1 tiếng thì đau bụng dữ dội và phải nhập viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán Dương bị viêm đường ruột. Sau khi uống thuốc, Dương trở về điểm thi thì đúng lúc hết giờ và đang thu bài. Kết thúc buổi thi ngày 10-7, tại ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ thí sinh dự thi các khối B, C, D, M đạt 84,22%.


    NHÓM PHÓNG VIÊN - THEO TTO
    Loading...

Chia sẻ trang này