Không chỉ có 13 khối thi truyền thống như trước, năm nay có hơn 100 khối thi mới nên việc xác định điểm sàn cho các trường đại học có khả năng sẽ rối ren. Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghệ TP HCM - cho biết, ngoài các khối thi như các năm trước, trường có thêm 8 khối thi mới để thí sinh thêm quyền lựa chọn khi xét tuyển. Tuy nhiên, việc xác định điểm sàn sẽ vất vả hơn. "Đến nay, chúng tôi chưa biết nên làm như thế nào bởi có quá nhiều khối thi và chờ ý kiến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến, trường sẽ xác định điểm sàn của từng khối thi", ông Quốc Anh nói. Tại Đại học Cần Thơ, để chuẩn bị cho việc xét tuyển, Hiệu phó Đỗ Văn Xê đã công bố 10 nguyên tắc khi nộp hồ sơ. Theo đó, trường chỉ xét tuyển một đợt từ kết quả thi THPT quốc gia do cụm đơn vị chủ trì. Thí sinh dùng phiếu điểm số một để chọn 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Còn việc xác định mức điểm nộp hồ sơ xét tuyển của từng khối thi thì trường này chưa đề cập đến. "Năm nay có quá nhiều khối thi mới, tôi cũng không hiểu Bộ Giáo dục sẽ dùng cách nào để xác định điểm sàn cho trọn vẹn đôi đường", ông Xê nói. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Đại học Văn Hiến năm 2014. Ảnh: Nguyễn Duy Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho hay đã giải đáp qua điện thoại cho hàng chục thí sinh về điểm chuẩn. Trường có hơn 10 khối thi mới để xét tuyển. "Năm nay, các em được chọn khối thi mới nên cách tính điểm sàn rất được quan tâm. Làm thế nào để hợp quy chế nhưng không để thí sinh thiệt thòi là bài toán nan giải", ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo của trường - cho biết. Ông Sơn cho rằng, việc xác định điểm sàn sẽ không còn phụ thuộc vào khối thi truyền thống mà dựa vào cấu trúc về điểm của các môn. "Bộ nên chia điểm sàn thành 2 nhóm tự nhiên và xã hội để tiện cho các trường. Điểm sàn năm nay 15 là hợp lý", ông Sơn nói. Đại học Nông lâm TP HCM đã lường trước việc phức tạp trong cách tính điểm sàn nên chỉ xét các khối thi truyền thống chứ không có tổ hợp môn mới. 30 ngành và 54 chuyên ngành của trường sẽ xét tuyển 4 khối A, A1, D1, B. "Chúng tôi chỉ xét một đợt duy nhất. Dự kiến mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ở khối B là 17, các khối còn lại là 16", ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường này nói. Ông Nguyễn Quốc Cường - Chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ Giáo dục tại TP HCM - cho biết, trong mùa tuyển sinh năm nay có hơn 100 khối thi mới. "Đây là hệ quả của việc Bộ cho phép mỗi ngành trong một trường được xét tuyển tối đa 4 khối thi. Đề thi có môn dễ, khó. Vì thế Bộ nên chia điểm sàn thành 2 loại: khối thi truyền thống và khối thi mới để thí sinh không bị thiệt thòi", ông Cường nói. Ông Cường khuyên thí sinh nên căn cứ các tổ hợp xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích. Sau đó, lựa chọn 3 môn thi nào có kết quả cao nhất để nộp hồ sơ. Ở nguyện vọng 1, thí sinh có quyền rút hồ sơ để nộp từ trường này qua trường khác. Còn ở 4 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút phiếu điểm trong quá trình xét tuyển. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, năm 2014 Bộ xác định 3 mức điểm sàn. Cả nước có khoảng 650.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm ngoái là 350.000 em. "Năm nay, thí sinh chỉ tham dự một kỳ thi nên Hội đồng tư vấn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp và tư vấn cho Bộ trưởng mức điểm sàn hợp lý. Thời gian công bố điểm sàn từ ngày 25 đến 30/7. Việc có nhiều tổ hợp môn thi mới cũng được hội đồng xác định khi công bố điểm sàn", ông Ga nói. Năm 2014, Bộ Giáo dục lấy điểm sàn hệ đại học các khối A, A1, C, D là 13. Riêng khối B là 14 điểm. Còn ở bậc cao đẳng, Bộ vẫn duy trì mức điểm sàn là 10 điểm đối với các khối A, A1, C, D và 11 điểm với khối B. Hơn 80% thí sinh thi cao đẳng đạt từ điểm sàn trở lên. Nguyễn Duy - Vnexpress