Nhiều thí sinh nhận định đề tiếng Anh khá dài, phần từ vựng khá khó, nhiều từ mới, một số bạn làm không kịp thời gian. Tại Hội đồng thi ĐH Sư Phạm TP.HCM cơ sở 2, sau khi thi xong môn tiếng Anh, đa phần thí sinh đều lắc đầu than đề dài và khó. Thí sinh dự thi môn Anh văn tại HĐT đại học Nông lâm chiều 9-7 - Ảnh: Như Hùng Thí sinh Nguyễn Ngọc Thảo, quê Tây Ninh cho biết: “Đề tiếng Anh năm nay khó hơn năm rồi, đề rất dài, đọc hoa cả mắt. Nhưng em thấy đề thi có tính thời sự hơn khi có 2 câu nói về thềm lục địa và sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng nếu đề thi dễ hơn thì có vẻ hay hơn, em chỉ tự tin là làm được 50%”. Hai thí sinh Như Quỳnh (THPT Trần Huy Cáp, Khánh Hòa), Phương Quỳnh (chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh) đều cho rằng đề năm nay dài và khó hơn. “Đề khó hơn khối A1 và đề khối D năm rồi. Phần ngữ pháp thì ổn, không có nhiều cấu trúc lạ nhưng trong đề có nhiều tự vựng mới, đoạn văn dài và khó, hai đứa mình suýt không kịp thời gian làm bài nên cũng đánh lụi vài câu”, tuy than đề khó nhưng hai bạn cũng tự tin là làm được trên 70% đề thi. Tại cụm thi Vinh, kết thúc 90 phút làm bài trắc nghiệm môn Ngoại ngữ nhiều thí sinh nhận xét đề thi vừa sức và dễ kiếm điểm khá nếu ôn bài kỹ. Thời tiết lúc 16g chiều 9-7 tại TP Vinh vẫn còn nắng nóng nên nhiều thí sinh khá mệt mỏi rời điểm thi. Với đề thi Ngoại ngữ khối D1, thí sinh Cao Việt Đức - điểm thi PT Hermann Gmeiner (TP Vinh) thi vào trường Học viện Ngoại giao cho biết, đề thi môn tiếng Anh nhẹ nhàng và vừa sức học với mình. Đức làm hết 80 câu hỏi trong thời gian khoảng 80 phút, thời gian còn lại Đức kiểm tra lại các đáp án rồi mới nộp bài. “Em thấy đề Ngoại ngữ năm nay không khó, thậm chí có phần dễ hơn năm ngoái. Các bạn cùng phòng thi với em đều làm được bài. Em nghĩ với các bạn học lực khá có thể kiếm điểm 7 trở lên”, Đức cho hay, em hy vọng môn thi chiều nay sẽ “gỡ điểm” cho môn Toán không suôn sẻ vào buổi sáng. Tại Đà Lạt, mặc dù nhiều thí sinh đánh giá đề thi hai môn tiếng Anh khối D1 và sinh học khối B không khó nhưng đến hết giờ thi thí sinh mới ra khỏi phòng thi, không có thí sinh nào ra sau 2/3 thời gian làm bài. Ở môn thi tiếng Anh khối D1 các thí sinh cho rằng đề ra vừa sức, tương đương với đề năm trước, khó ở phần đọc hiểu. Thí sinh Trần Công Bình cho rằng, phần đọc hiểu là phần làm mất khá nhiều thời gian. Cùng nhận định, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết nếu tập trung vào phần đọc thì sẽ mất rất nhiều thời gian, không kịp để làm các câu khác. “Những câu nào không làm được em điều bỏ qua, làm xong một lượt mới quay lại. Tuy nhiên, vẫn không làm kịp nên đành chọn may rủi khoảng 10 câu sau cùng” - Nhung kể. Bất ngờ với đề tiếng Anh Nhiều thí sinh dự thi khối D bất ngờ với đề tiếng Anh với những câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo. Một số câu hỏi điền từ, tìm từ đồng nghĩa, bài chọn trọng âm đúng có nội dung liên quan tới chủ quyền biển đảo tại câu 42, mã đề 625 đã đề cập trực tiếp tới sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của VN và yêu cầu thí sinh tìm từ đồng nghĩa. Cô Chi Mai, một giáo viên dạy tiếng Anh nổi tiếng ở HN cho biết vì sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép” là vấn đề thời sự nóng bỏng nên tôi vẫn dự phòng dạy các em một vài tiết về vấn đề này. Việc thí sinh làm quen với đề tài này bằng tiếng Anh cũng là việc cần thiết, nhất là trong bối cảnh VN đang cần tuyên truyền để bạn bè thế giới hiểu về đấu tranh chính đáng của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Theo một số giáo viên khác thì các câu hỏi liên quan tới “biển đảo” có cách hỏi sáng tạo, liều lượng vừa phải, không quá khó đối với thí sinh. Tại Hà Nội, theo ghi nhận tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Y Hà Nội… nhiều sĩ tử ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Đa số thí sinh nhận định đề ngoại ngữ vừa sức. Thí sinh Nguyễn Thị Thu Nga (huyện Đông Anh, Hà Nội) dự thi ngành tiếng Hàn tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: “Đề có khoảng 10 câu hỏi khó, em dự tính mình được từ 6,5 điểm trở lên ở môn thi này”. Theo một thí sinh dự thi vào trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn- ĐHQGHN nếu không làm quen với những từ mới, hoặc bài đọc liên quan tới chủ đề trên thì thí sinh sẽ không trả lời được. Tại Khánh Hòa, đánh giá về đề tiếng Anh, thí sinh Nguyễn Minh Nghĩa cho biết: “So với năm ngoái thì đề dễ hơn nhưng khó hơn khối A1. Phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa phải đọc kỹ đề nếu không sẽ rất dễ nhầm. Đề có tính phân loại cao, học sinh trung bình có thể làm được 5 điểm, học sinh khá giỏi có thể kiếm 8 điểm”. Tại trường ĐH Hàng Hải, các thí sinh thi khối D xong, đứng đợi người nhà trong tâm trạng lo lắng. Nhiều thí sinh nói đề thi tiếng Anh năm nay dài và khó, nhất là phần đọc hiểu, vậy nên làm xong không còn thời gian để soát lại bài làm. “Môn tiếng Anh khối D khó hơn khối A1 nhiều, đề dài nên em làm không đủ thời gian, chỉ được khoảng 60%” - thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nói. Thi xong môn thi buổi chiều, các thí sinh nhanh chóng di chuyển về chỗ trọ tránh nóng, tập trung cho môn thi cuối cùng sáng mùng 10. Đề Sử khó nuốt Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều thí sinh dự thi khối C vào ĐH KHXH&NV ra sớm đã than thở đề sử hơi "khó nuốt", yêu cầu thí sinh phải nhớ kiến thức sách giáo khoa vừa phải tư duy, lập luận, trình bày chặt chẽ. Thí sinh Hà Nguyễn Ngọc My quê Trà Vinh thi vào ngành Báo chí và truyền thông cho biết: "Đề thi có 4 câu, trong đó có 1 câu sử thế giới. Câu sử thế giới năm nay rất đặc biệt, đề cho bảng số liệu gồm năm và sự kiện của ASEAN sau chiến tranh thế giới thứ 2 rồi yêu cầu thí sinh trình bày quá trình phát triển, ý nghĩa của các sự kiện đó. Câu 1 khá dài, kiến thức dàn trải khi yêu cầu trình bày các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa nổi bật trong thế kỷ 20 tại Việt Nam". Thí sinh Lưu Ngọc Nương quê Long An chia sẻ: "Tuy chỉ hỏi kiến thức lớp 12 nhưng đề sử khó, em làm mỗi câu được một chút, không được trọn vẹn. Có câu còn cho bảng số liệu các sự kiện của ASEAN rồi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa. Đề yêu cầu thí sinh có kiến thức rộng và chằc, có câu hỏi về chiến tranh nhân dân đòi hỏi thí sinh phải dựa vào hiểu biết của mình". Thí sinh Trần Nguyễn Phương Trâm ở Bình Thuận, thi vào ngành Báo chí và truyền thông khá lo lắng, vì làm bài không tốt mà điểm chuẩn lại khá cao: "Đề này quá khó so với sức học của em, em chỉ làm được tầm 6 điểm là cao. Câu 1 hỏi các cuộc khởi nghĩa nổi bật ở Việt Nam trong thế kỷ 20 rất dài, em làm không tốt do không nhớ hết". Theo ghi nhận, hầu hết thí sinh vừa thi sử xong đều nhận định trong khi đề địa buổi sáng khá dễ thì đề sử lại "khó nuốt". Nhiều thí sinh phờ phạc sau khi làm bài đã...không thể nhớ nổi đề thi vừa hỏi gì. Tại TP.HCM, Đà Nẵng, khá nhiều thí sinh ở điểm thi THPT Nguyễn Hữu Thọ, HĐT Đại học Luật TP.HCM ra khỏi phòng khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài, tâm trạng của các thí sinh có vẻ không hài lòng vì đề dài và khó. Thí sinh Mai Anh Tuấn (Q.Gò Vấp) đánh giá: "Đề năm nay xoay quanh các vấn đề ASEAN và theo hướng mở là chính, thí sinh không cần học thuộc lòng nhưng phải hiểu bài mới có thể làm được". Thí sinh Lê Như (Tây Ninh) thì cho rằng: "Đề đòi hỏi khả năng vận dụng nhiều vì theo hướng mở là chính, câu làm mình phải đầu tư nhiều nhất là câu về xu thế hòa hoãn trong mối quan hệ Việt Nam-Pháp, dù đã được ôn tập từ trước nhưng hướng ra của đề khá lạ và phải phân tích, vận dụng mới có thể làm được". Thí sinh Lê Văn Lai dự thi vào ngành lịch sử (ĐH Sư Phạm) cho biết: “Đề sử năm nay đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu mới làm được hết và đạt điểm cao được.Đối với đề năm nay không có cơ hội cho thí sinh học tủ và học vẹt. Câu hỏi làm sáng tỏ biện pháp hòa bình trong mối quan hệ Việt Nam với Pháp trong các giai đoạn em nghĩ đó là câu hỏi khá hay vì hiện nay nhiều thầy cô cũng nhắc nhở tụi em phải lưu ý tới vấn đề lịch sử liên quan đến thời sự, nhất là mối quan hệ của ta với các nước lớn và Asean”. Tại Đà Lạt, rất nhiều thí sinh dự thi môn lịch sử khối C sau khi ra khỏi phòng thi cho biết đề năm nay khá khó, phải làm hết thời gian mới ra khỏi phòng thi. Theo các học sinh, đề năm nay khó hơn năm trước, rộng hơn năm trước. Thí sinh Nguyễn Văn Khoa, dự thi khối C vào ngành sư phạm ngữ văn cho rằng đề thi năm nay khá khó, đặc biệt là câu 4 liên quan đến yêu cầu phân tích số liệu về ASEAN. “Đề yêu cầu rộng, buộc tụi em phải nắm vững kiến thức mới có thể làm bài đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với ai có học lực khá thì đề này tương đối bình thường. Khả năng em làm được hơn 50%” - Khoa, nói. Rất nhiều thí sinh tại Đà Lạt không làm được đành “cắn bút” hoặc ngủ chờ đến qua khỏi 2/3 giờ thi để nộp bài ra khỏi phòng thi. Đình chỉ một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi Theo thông tin từ ban chỉ đạo hội đồng tuyển sinh đại học Đà Lạt, buổi thi chiều 9-7 có một nam thí sinh dự thi khối C tại hội đồng thi THPT Bùi Thị Xuân bị đình chỉ thi vì lý do mang điện thoại vào phòng thi. Trong lúc làm bài chuông điện thoại rung, nên cán bộ coi thi buộc phải đình chỉ thi trường hợp này. Ngoài ra, cũng tại hội đồng thi này có một nam thí sinh dự thi vào khối C, đại học Đà Lạt bị ngất xỉu ngay tại phòng thi. Cán bộ y tế cùng bộ phận an ninh đưa thí sinh lên cấp cứu ở phòng cách ly Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để điều trị. Thí sinh này được chẩn đoán là mắc quai bị. Sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, thí sinh này đã được cán bộ an ninh đưa trở lại phòng thi và tiếp tục làm bài. Thống kế nhanh vào buổi chiều, số lượng thí sinh dự thi là 4.307, đạt 81,55% thấp hơn buổi sáng (82,25%). Môn tiếng Anh khối D1: Độ khó của đề thi trải đều Về đề thi môn tiếng Anh khối D1, cô Lê Thị Thanh Xuân - giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cho biết đề thi khá hay, phù hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH khối D1. So với đề thi khối A1 thì đề tiếng Anh khối D1 khó hơn nhiều. Phần ngữ pháp khá rộng và từ vựng cũng rất phong phú. Đề thi không có câu nào quá dễ và cũng không có câu nào đánh đố. Mỗi phần đều có mức độ khó như nhau, phần khó không tập trung vào phần reading như khối A1. Độ khó của đề thi trải đều cả đề thi. Cấp độ khó từng phần ngang nhau đòi hỏi thí sinh phải nắm vững ngữ pháp, từ vựng cũng như các kỹ năng khác để làm bài. Với đề thi này, học sinh trung bình chỉ có thể đạt 3 điểm. Học sinh khá trở lên mới có thể đạt được điểm 5. Môn lịch sử: Học vẹt điểm không cao Với đề thi môn lịch sử, ThS Võ Thị Thu Huyền - giảng viên Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết đề thi năm nay dài nhưng rất hay, bao quát toàn bộ chương trình lớp 12. Đặc biệt, cái hay của đề thi là nêu bật được vai trò yêu nước của nhân dân. Đề thi này buộc học sinh phải học theo cách nắm kiến thức, tổng hợp và phân tích chứ không thể học vẹt. Đề thi đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, biết nêu vấn đề và phân tích vấn đề (câu 1 và 4). Câu về lịch sử thế giới mang tính thời sự thực tế và liên quan đến xu thế của thế giới. Câu này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng, tổng quát mới có thể làm tốt. Tổng thể, đề thi năm nay khó hơn đề thi năm trước, thí sinh học thuộc lòng sẽ khó đạt điểm cao. Với đề thi này, những thí sinh học vẹt kiến thức sách giáo khoa chỉ có thể đạt được điểm 5, 6. Nếu nắm vững kiến thức và biết phân tích vấn đề, có kiến thức tổng hợp thí sinh có thể đạt 8, 9 điểm nhưng chắc sẽ khó có điểm 10. Điểm thi lịch sử năm nay sẽ không cao như năm trước. NHÓM PHÓNG VIÊN - TTO