Bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ trong bộ luật lao động

Thảo luận trong 'Luật trong nước' bắt đầu bởi truongkienthuc, 21/5/14.

Loading...
  1. truongkienthuc

    truongkienthuc Administrator

    BẢO VỆ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

    Tại sao phải nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh?

    Việt Nam hiện đang nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 29,3%, suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức 17,5% (điều tra của Viên Dinh dưỡng – Bộ Y tế năm 2010). Một trong những nguyên nhân là do trẻ em không được bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau khi sinh. Cũng theo điều tra, chỉ có hơn 18% trẻ em Việt Nam được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Do vậy, việc quy định các bà mẹ mang thai có quyền nghỉ thai sản 6 tháng nhằm đáp ứng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc về việc “nuôi con từ 0- 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ”.
    [​IMG]
    Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ nhi đồng LHQ còn khuyến cáo rằng các bà mẹ cho con bú trong vòng một tiếng đầu ngay sau khi sinh và nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng – có nghĩa là không cho ăn thức ăn, uống nước, sữa bột công thức và tiếp tục cho bú đến khi bé hai tuổi. Như vậy, các bà mẹ có thể mang lại cho con mình khởi đầu tốt nhất để trở thành những công dân trẻ khỏe mạnh và thông minh. Tuy nhiên, theo số liệu thu thập được thông qua Hệ thống giám sát dinh dưỡng tại Việt Nam, đa số cha mẹ cho bú sữa bột công thức hoặc nước trong vài ngày đầu sau khi sinh và bình quân chỉ có một trong năm trẻ em được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho đến khi hai tuổi.

    Khẳng định lợi ích của cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú đến 24 tháng, bà Nemat Hajeebhoy, Trưởng đại diện tổ chức Nuôi dưỡng phát triển ( Aliver & Thriver) tại Việt Nam cho rằng: sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng ưu việt giúp trẻ tăng trưởng tối đa đồng thời cung cấp đủ nước, bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn và dị ứng, tăng cường tình cảm mẹ con. Về lâu dài còn giúp trẻ chống các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, các bệnh đường ruột, huyết áp, tiểu đường loại 1, các bệnh ác tính, bệnh bạch cầu – bạch huyết cầu cấp tính…Đối với các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ giúp co tử cung sau khi sinh, cân nặng của bà mẹ trở lại bình thường, đồng thời về lâu dài giúp chống các căn bệnh ung thư như ung thư vú, buồng trứng, dạ con. Về lợi ích kinh tế: sữa mẹ như là một loại hàng hóa đóng góp vào nguồn cung cấp lương thực quốc gia; là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo, bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu các chất thải có hại. Đối với hệ thống chăm sóc y tế làm giảm chi phí chữa bệnh cho trẻ em, chi phí chữa bệnh mạn tính lúc trưởng thành. Đối với các gia đình: giảm chi phí cho trẻ ăn ngoài (mua sữa, bình bú, thời gian pha chế…), chi phí chăm sóc y tế khi ốm đau, chi phí do mất thu nhập khi con ốm. Cũng theo bà Nemat Hajeebhoy, theo ước tính tại Việt Nam, nếu nuôi con bằng sữa công thức, mỗi gia đình mỗi tháng sẽ mất từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng cho một đứa trẻ, tương đương với 53-79% thu nhập trung bình của một người (18.227.000 đồng), đồng thời Việt Nam hàng năm tiêu tốn 10 triệu đô la Mỹ cho chi phí chữa bệnh do nuôi dưỡng tự nhiên kém.

    Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, chuyên gia dinh dưỡng của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, từ năm 1992 Việt nam đã triển khai chương trình Nuôi con bằng sữa mẹ nhằm tăng cường kiến thức, thực hành đúng về nuôi con bằng sữa mẹ cho cán bộ y tế, bà mẹ và người chăm sóc trẻ, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm bệnh tật và tử vong của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay rất ít người dân tin rằng bà mẹ có thể có đủ sữa cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, trong khi đó lại tin tưởng vào việc cho ăn bổ sung sớm sẽ làm trẻ cứng cáp hơn.

    Luật gia David Clark – chuyên gia luật của UNICEF khẳng định tầm quan trọng của Luật Quốc tế về kinh doanh sản phẩm thay thế sữa mẹ đối sự sống còn, phát triển của trẻ, đồng thời đưa ra khuyến cáo sữa bột không phải là sản phẩm vô trùng vì tại nhà máy sản xuất, sữa bột có thể nhiễm khuẩn các vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao và có khả năng kháng nhiệt (như ở Trung Quốc và một số nước khác trong thời gian gần đây). Các nước thành viên cần tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Sức khỏe Thế giới (WHA) số 63.23(2010) xây dựng hoặc tăng cường luật pháp quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

    Nhìn chung, các công ước quốc tế đều khuyến khích việc các quốc gia cần thiết phải có những chính sách đặc biệt bảo vệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh và những chính sách ưu tiên đặc biệt này không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

    Tại sao cần có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ?

    Qua thực tiễn phát triển chính sách nghỉ thai sản ở Việt Nam,tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết từ trước năm 1983, bà mẹ chỉ được nghỉ đẻ 2 tháng, một tháng trước và một tháng sau khi sinh con. Đến năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 121-HĐBT ngày 19/4/1985 sửa đổi chế độ thai sản của lao động nữ từ 2 tháng lên 6 tháng. Điều này cho thất chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) thời kỳ này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta trong điều kiện nền kinh tế còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 1990, vào cuối giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, do tác động của việc quy định thời gian nghỉ thời gian nghỉ thai sản dài 6 tháng khiến cho việc sử dụng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sản xuất kinh doanh nên Chính phủ đã quy định lại thời gian nghỉ thai sản rút xuống còn 4 tháng và chính sách này vẫn còn duy trì cho tới hiện nay. Đến nay, khi trình độ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tự nhất định thì việc xem xét nâng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên cao hơn 4 tháng cũng là cần thiết nhằm bảo đảm sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

    Đồng tình với ý kiến này, bà Hoàng Thị Hoa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết chúng ta đang xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có đề cập thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ 6 tháng và áp dụng cho khối cán bộ, viên chức và công nhân cũng là những quy định phù hợp với thực tế hiện nay. Đây là nội dung quan trọng trong quá trình thảo luận xây dựng luật pháp chúng ta cần quan tâm, điều chỉnh kịp thời nhằm thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm nâng cao phát triển chỉ số con người Việt Nam.

    Theo kết quả điều tra về nghỉ thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ do Ban nữ công của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 89% lao động nữ được hỏi đều muốn được nghỉ thai sản 6 tháng, 78% người sử dụng lao động và đại diện công đoàn đồng thuận tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, 92% doanh nghiệp nhất trí hỗ trợ người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toan trong 6 tháng đầu là sự đầu tư sáng suốt vào lực lượng lao động hiện tại và tương lai.

    Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cũng khẳng định sẽ đảm bảo cân đối chi trả chế độ nếu thời gian nghỉ thai sản kéo dài lên 6 tháng với mức đóng bảo hiểm theo quy định hiện hành là 3% quỹ lương.

    Tuy nhiên hiện nay, theo Hội LHPN Việt Nam có những khó khăn chưa giải quyết được, đó là hệ thống trường mầm non đều chưa đủ điều kiện nhận chăm sóc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, do vậy nhiều bà mẹ phải chịu áp lực lớn khi nghỉ hết thời gian quy định phải đi làm không có người trông trẻ. Cần có chính sách đồng bộ hỗ trợ cho chính sách nghỉ thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ. Mặt khác, cần lưu ý việc tăng chế độ nghỉ thai sản của lao động nữ có thể giảm quyền tiếp cận việc làm và làm việc của lao động nữ vì doanh nghiệp nếu chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận thì dễ hạn chế tuyển dụng lao động nữ do nghỉ chế độ dài ngày. Do vậy rất cần thiết phải quy định thành luật để lao động nữ có đủ thời gian nghỉ mà vẫn được đảm bảo vị trí công việc, không bị doanh nghiệp làm khó dễ. Việc tăng chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ là chúng ta thực hiện đảm bảo quyền trẻ em và quyền phụ nữ.

    Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam - Bà Lotta Sylwander cho rằng việc tổ chức hội thảo xem xét các quy định bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ trong Luật bổ sung sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Quảng cáo có tác động rất lớn đến xã hội, đặc biệt là phụ nữ. Bảo vệ chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ góp phần vào sức khỏe và an sinh của bà mẹ và con của họ, qua đó giúp đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 4 và thứ 5, trong đó làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ. Thông qua bảo vệ việc làm cho phụ nữ và thu nhập ổn định trong khi mang thai và sau khi sinh, bảo vệ chế độ nghỉ thai sản cũng góp phần thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3, mục tiêu chú trọng đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

    Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất sửa đổi chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ trong Bộ luật Lao động đồng thời là một chủ trương cần thiết, có tính khả thi, có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, nhân văn và đó cũng là cách đầu tư thiết thực nhất cho thế hệ tương lai./.

    Doãn Hồng Phú

    (SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH ĐỒNG NAI)
    Loading...

Chia sẻ trang này