Cổ Nhơn - trò chơi dân gian độc đáo ở Hoài Nhơn - Bình Định

Thảo luận trong 'Thư giãn - giải trí' bắt đầu bởi Vam Cuc, 16/2/13.

Loading...
  1. Vam Cuc

    Vam Cuc Thành viên mới

    Cổ nhơn là trò chơi dân gian phổ biến ở Hoài Nhơn, đặc biệt là ở thị trấn Bồng Sơn. Bắt đầu khai hội từ ngày 30 tháng Chạp và kéo dài tới hết ngày mùng 6 Tết. Nhưng từ quãng rằm tháng Chạp, người dân ở đây đã nao nức đợi chờ giờ mở hội…

    [​IMG]
    Ở Hoài Nhơn, trò chơi Cổ nhơn có sức hấp dẫn không chỉ với những người dân địa phương mà cả các vùng lân cận Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão cũng bị cuốn hút. Ảnh: Trường Đăng

    * Sức minh triết của trí tuệ dân gian
    Với người Việt, Tết Nguyên đán là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển giao giữa cũ và mới, là thời điểm để đoàn tụ gia đình. Và Tết là dịp để hội hè, vui chơi. Để lại những năm tháng khó khăn của những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước – khi “chuyện ăn” được quan tâm nhiều hơn “chuyện chơi”, người Việt giờ đây đã nghĩ nhiều hơn đến chuyện chơi Tết, vui Tết. Hội Cổ nhơn được phục hồi trong mấy năm gần đây, cũng theo xu hướng này. Đất nước đổi mới, đời sống thoải mái hơn, lòng người phấn khởi… là môi trường tốt để mỗi năm ngày hội Cổ nhơn vui hơn.
    Ở Hoài Nhơn, trò chơi Cổ nhơn có sức hấp dẫn lạ kỳ. Không chỉ với những người dân địa phương mà cả ở vùng lân cận Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão cũng bị cuốn hút. Chưa có công trình, tài liệu khoa học nào nghiên cứu cặn kẽ nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển trò chơi này, nhưng điều chắc chắn là Cổ nhơn đã trở thành trò chơi dân gian đặc sắc, lôi cuốn đông đảo người tham gia trong những ngày đầu năm.
    Là trò chơi dân gian nhưng chất trí tuệ rất cao của nó đã tạo nên những thử thách lớn cho cả những bậc trí giả, thức giả. Người ta dễ dàng thực chứng sức cuốn hút của Cổ nhơn trong những ngày hội. Bởi vào những ngày này, đi trên đất Bồng Sơn, Hoài Nhơn đâu đâu cũng nghe râm ran bàn về lời giải nào thì đúng, cách giảng nào thì hay. Việc tham gia giải đố cũng là thước đo sức hiểu biết, sự uyên bác của người tham gia trò chơi. Chính vì những đặc điểm này mà Cổ nhơn trở thành một giá trị văn hóa dân gian. Hay nói cách khác, Cổ nhơn là sức minh triết của trí tuệ dân gian.


    [​IMG]
    Công bố kết quả của một câu thai (con kỳ lân). Ảnh: Trường Đăng

    * Nao nức Hội Cổ nhơn
    Cổ nhơn cũng tương tự như thú thả thơ. Nhưng nếu thú thả thơ người ta chỉ đoán một chữ còn khuyết trong câu thơ đã rút thì Cổ nhơn lại luận từ câu thơ để tìm ra con vật mà người ra đề muốn nói. Tuy nhiên, nếu thả thơ không có luật chơi, kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào cách giảng của nhà cái thì Cổ nhơn có luật chơi, có quy tắc chơi chặt chẽ hơn. Cụ thể như sau.
    Những người yêu thích trò chơi này lập ra “Hội xổ Cổ nhơn” để tổ chức cuộc chơi và chịu trách nhiệm giải thích kết quả nếu có tranh luận. Trò chơi bắt đầu khi người cầm tịch (thuộc Ban tổ chức) ra thai gồm 4 câu thơ, thường là thơ lục bát vịnh một trong 36 con vật trong bảng tịch. 36 con trong bảng tịch được chia thành 9 bộ. Trong 36 con thì con chí cao (con trùn) được coi là ông tổ Cổ nhơn, thường thì nhà cái không xổ con này.
    Khi Ban tổ chức ra câu thai xong sẽ treo con đề (lời giải) lên ngọn cây nêu. Trong thời gian diễn ra ngày hội Cổ nhơn, mỗi ngày Ban tổ chức xổ hai lần. Buổi sáng, từ 6 giờ 30 phút, ra thai và cho con đề vào hộp và treo lên cây nêu, đến 11 giờ 30 phút thì hạ xuống. Buổi chiều, bắt đầu từ 12 giờ 30 phút và xổ thai - công bố kết quả lúc 17 giờ 30 phút.
    Người chơi đọc 4 câu thơ, dựa trên bộ, tên con vật, số thứ tự để bàn, luận, đoán ra thai muốn nói đến con vật gì. Nội dung những câu thai rất rộng nhưng ai cũng có thể chơi. Từ trẻ nhỏ đến cụ già, thanh niên, phụ nữ… ai cũng có cái lý của mình để bàn. Không giống như xổ số, thắng thua là do hên xui, may mắn. Với trò chơi Cổ nhơn, người thắng cuộc là người uyên bác, giỏi suy luận, nhạy bén, nên khi chơi Cổ nhơn người ta luận bàn rất rôm rả.

    Thơ trong câu thai thường gọn, lời lẽ đơn giản, phần lớn là viết về quê hương, điển cố, lòng hiếu đễ, tình yêu đôi lứa. Ví dụ: Chào xuân rộn tiếng chim ca/ Trăm nhà nô nức, vạn hoa thắm cành/ Ruộng đồng đủ nước thêm xanh/ Tơ hồng kết nối duyên anh với nàng. Người chơi có thể dựa vào nhiều ý trong câu thai để luận. Từ chào xuân dễ liên tưởng đến con công (tên Hán Việt là Phùng xuân); hoặc trăm nhà nô nức bàn đến con ong hoặc bướm; ruộng đồng xanh luận đến cá, lươn… Tùy mỗi người suy đoán nhưng kết quả thì lại là con thỏ. Nhà cái giảng rằng con thỏ là bởi con thỏ tên Hán Việt là Nguyệt bửu, và lý lẽ đưa ra “ông tơ bà nguyệt” kết nối duyên anh với nàng…
    Người được mời soạn thai là những người có uy tín, học rộng. Khi luận thường luận theo tuồng, theo tích, các thể thơ tứ tuyệt. Người chịu trách nhiệm giải câu thai phải là người nhanh trí, hiểu biết kỹ trò chơi, giải thích cho phù hợp với từng đối tượng. Nhưng cũng không mấy khi có người thắc mắc vì nhà cái giải thích theo lý lẽ riêng của mình và thường thì rất thuyết phục.
    Người bán tịch thường là người biết bàn, luận về thai sao cho có lý để thu hút người mua. Người nào luận càng hay thì càng thu hút được khách hàng. Cuộc chơi là cuộc đấu trí, thi tài giữa người chơi và người cầm tịch. Những người ra thai, cũng phải tiên liệu những khả năng mà người chơi sẽ tính được và tìm cách dẫn dắt họ đi sai đường. Chính vì cuộc đấu trí tuệ công khai như thế nên trò chơi dân gian này thu hút được đông đảo người tham gia.
    * Người thắng cuộc được gì?
    Tỉ lệ thắng cuộc của Cổ nhơn là đặt 1 trúng 25. Nhưng giá trị và sức hấp dẫn của trò chơi chưa bao giờ thuộc về tiền thưởng. Đơn giản, bởi đây không phải là trò cờ bạc may rủi. Giá trị của trò chơi thuộc về niềm hãnh diện của người giải đúng. Họ là người sử dụng kiến thức, thông tuệ, sự nhạy bén của mình trình bày và thuyết phục được đám đông tin vào luận lý mà mình đưa ra. Tất nhiên, mỗi người thắng cuộc lại mỗi cách tiếp cận kết quả khác nhau. Nhưng như đã nói, luận lý của ai hay hơn, thuyết phục hơn, người đó sẽ nổi tiếng hơn. Và kết cục là họ được nhiều người tin cậy hơn, sức chinh phục cộng đồng bằng trí tuệ cũng từ đó mà ra. Đó là cái được lớn nhất.
    Vòng quay xã hội ngày càng nhanh hơn. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khiến các trò chơi dân gian dần biến mất. Trong bối cảnh đó thì sự trở lại mạnh mẽ của Cổ nhơn là dấu hiệu tích cực. Nhiều người Hoài Nhơn xa quê, đến Tết không về thăm nhà được, trong nhiều nỗi nhớ có nỗi nhớ cái không khí râm ran từ đầu làng đến cuối xóm của ngày hội Cổ nhơn. Họ thường hỏi về những câu thai, lời giải và nắc nỏm kháo nhau về cách giải những câu thai còn đang treo trên nêu.
    Khi chia tay Hoài Nhơn, trong đầu của tôi loáng thoáng câu hỏi: có khi nào người ta đưa Cổ nhơn thành cổ nhơn online để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế?

    Xem video được đăng trên báo tuổi trẻ :
    Loading...
    Last edited by a moderator: 6/1/14
    ngọn cỏ trong sương thích bài này.

Chia sẻ trang này