Kinh nghiệm học ngành tâm lý học tại Singapore

Thảo luận trong 'Các chuyên ngành khác...' bắt đầu bởi tkt057, 12/6/15.

Loading...
  1. tkt057

    tkt057 Moderator

    Đây là bài viết về kinh nghiệm của bạn Gao Ng ở Singapore muốn chia sẻ đến các bạn.




    Xét về sự khoảng cách địa lý và chất lượng giáo dục, Singapore là một trong những sự lựa chọn phù hợp để theo học ngành Tâm lý.


    1. Giới thiệu tổng quan về chương trình Tâm lý học tại NUS


    a. Yêu cầu chung


    Trường NUS có đào tạo chuyên ngành tâm lý học và bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết ngành học này tại website của trường thành viên của NUS là Faculty of Arts and Social Sciences. Ngoài ra, nhà trường không hạn chế việc các ứng viên nộp hồ sơ xin chuyển đổi sang ngành học khác không tương tự như ngành đang học. Nhà trường vẫn xét tuyển cho thí sinh có nguyện vọng học ngành học khác tại NUS dù không phải chuyên ngành hiện nay của mình mà không có bất kỳ hạn chế và bất lợi nào trong việc xét hồ sơ. Tìm hiểu thêm về hệ thống giáo dục Singapore


    Đối với các bạn thuộc đối tượng đã tốt nghiệp THPT, đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp đại học, khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường thì NUS yêu cầu các bạn phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL. Nhà trường sẽ không xét hồ sơ cho ứng viên nếu không đáp ứng yêu cầu tiếng Anh.


    NUS tuyển học sinh đã hoành thành chương trình A-level, đã tốt nghiệp cấp ba. Sinh viên đại học có thể nộp đơn vào NUS nhưng phải học lại từ đầu. Chương trình dự bị chỉ bắt buộc với sinh viên một số nước Đông Nam Á (không có Việt Nam). Sau khi nhập học tại Faculty of Arts and Social Sciences, sinh viên cần phải đạt ít nhất B- cho Introduction to Psychology (PL1101E) và Research and Statistical Methods I (PL2101) để chính thức trở thành sinh viên ngành Tâm lý học. Trong bộ môn, số lượng sinh viên nữ chiếm đông đảo.


    b. Hệ thống tín chỉ


    Tại NUS sinh viên được khuyến khích học các kiến thức chung về khoa học xã hội trước khi chọn ngành vào năm một. NUS chú trọng vào nghiên cứu hơn là ứng dụng tâm lý. Trong quá trình học 3-4 năm, sinh viên phải học ít nhất 1 môn về nghiên cứu (lab modules). Những môn nghiên cứu này được chia theo từng phân ngành nhỏ, gồm 20-25 sinh viên chia thành 4-5 nhóm nhỏ được hướng dẫn trực tiếp bởi giáo sư. Các nhóm sẽ được trải nghiệm từ đầu đến cuối những bước cần làm trong một đề tài nghiên cứu thực tế (hypothesis, literature review, research design, data collection, statistics, presentation, report).


    Xuyên suốt quá trình học, sinh viên sẽ có dịp quay lại với kiến thức về Statistics và Research Methods rất nhiều lần. Nắm vững kiến thức đó sẽ giúp sinh viên dễ dàng đọc hiểu, so sánh và khái quát những kiến thức trong các môn học phân ngành về sau. Sinh viên sau khi học các lớp này có thể xin nghiên cứu trực tiếp với giảng viên hoặc làm nghiên cứu. Tuy trường chú trọng nghiên cứu nhưng do đa số học sinh không muốn đi theo con đường nghiên cứu nên trường không bắt ép nhiều.


    NUS không yêu cầu sinh viên đi sâu vào một chuyên ngành cụ thể trong ngành tâm lý. Trong suốt hai năm đầu, các môn đại cương bao quát hầu hết các phân ngành tâm lý học hiện có bao gồm Biological Psychology, Developmental Psychology, Cognitive Psychology, Social Psychology, Abnormal Psychology và Research and Statistical Methods I & II. Do học tín chỉ nên sinh viên có thể bắt đầu chọn môn theo định hướng một phân nghành cụ thể trong năm ba thế nhưng số lượng các môn chuyên ngành cũng không nhiều và chủ yếu dành cho năm bốn. Việc học năm bốn là không bắt buộc và thường nhắm đến những sinh viên muốn học cao học.


    Xét trên số lượng giảng viên trong khoa Tâm lý thì phân ngành Cognitive Psychology hiện chiếm ưu thế, sau là đến Social Psychology và một số phân ngành liên quan. NUS cũng có thế mạnh về các bộ môn Thống kê và Nghiên cứu (Statistics and research design). Có đến 4 môn level 5000 dedicated cho phân ngành này. Clinical Psychology hiện cũng đang lên như một xu hướng mới ở NUS. Khoa tâm lý đang tham vọng đầu tư lớn cho chương trình Thạc sĩ phân ngành Clinical Psychology. Các phân ngành khác thì mỗi ngành có vài người tham gia giảng dạy đại cương, nhưng đến những môn chuyên sâu thì chỉ có ở ba nhánh trên.


    Các môn học trong chương trình bao gồm:


    1. PL1101E Introduction to Psychology


    2. PL2131 Research and Statistical Methods I


    3. PL2132 Research and Statistical Methods II


    4. PL3232 Biological Psychology


    5. PL3233 Cognitive Psychology


    6. PL3234 Developmental Psychology


    7. PL3235 Social Psychology


    8. PL3236 Abnormal Psychology


    9. PL3231 Independent Research Project


    1. PH2201 Introduction to the Philosophy of Science
    2. PH2241 (former module code PH3212) Philosophy of Mind
    3. PH3201 Philosophy of Social Science
    4. LSM3215 Neuronal Signaling and Memory Mechanisms
    5. LSM3216 Neuronal Development and Diseases


    c. Học phí


    ~ S$35,000 (570 tr.đ.) một năm


    *** The tuition fees will increase to $16,720 per semester or $33,440 per annum (with GST) for Singapore citizens/permanent residents/foreigners with effect from August 2014.


    d. Bắt đầu nhập học


    Tháng 1 hoặc 8


    Số lượng sinh viên Việt Nam học tâm lý ở NUS rất thấp, trung bình một người mỗi năm trên tổng số 100 sinh viên Việt Nam vào học NUS mỗi năm và khoảng 20-30 người vào Faculty of Arts and Social Sciences. Các trường khác ở Singapore về mặt này cũng không khả quan hơn. Đa phần sinh viên Việt Nam tại NUS vay tiền học phí nên phải làm việc ba năm cho các công ty Singapore sau khi tốt nghiệp.


    2. Cơ hội học tập và nghiên cứu


    Cơ hội nghiên cứu ở bậc đại học bao gồm việc làm trợ lý nghiên cứu khoa học tại phòng lab, tham gia nghiên cứu với giảng viên và làm đề tài tốt nghiệp. NUS có hệ thống khoảng 20 phòng lab, trang thiết bị không quá tân tiến và phức tạp nhưng đủ phục vụ nghiên cứu cognitive psychology, brain & behavior và social/personality psychology. Sinh viên cần phải chủ động liên lạc với các Giáo sư để có thể được tham gia vào các nghiên cứu.


    Gần đây, trường nhấn mạnh trao đổi khoa học với các trường quốc tế. Khoảng hai tuần một lần, các giáo sư ở các trường khác được mời sang NUS nói chuyện, trao đổi nghiên cứu. Một thế mạnh của NUS là ngày càng thu hút được nhiều giáo sư có tiếng tăm trong ngành, đơn cử như Richard Ebstein về Behavioural genetics. Ngoài ra, NUS có các một vài chương trình nghiên cứu liên thông với Singapore Institute of Mental Health về Clinical Psychology mỗi năm. Ngoài ra cũng có một số tổ chức ở Singapore tài trợ cho các đề tài nghiên cứu về cộng đồng. Tuy nhiên cơ hội này dành phân ngành Xã hội (Sociology) nhiều hơn.


    Số lượng sinh viên chọn con đường nghiên cứu ít hơn nhiều so với mảng ứng dụng. Nguyên nhân một phần là do xu hướng hiện nay chính phủ Singapore đang chú trọng đến mảng Điều trị tâm lý (Clinical Psychology) nên đầu ra rất đa dạng, từ trị liệu tâm lý đến làm tại trường học, tổ chức xã hội, v.v. Một số lượng không nhỏ những sinh viên học chương trình ba năm (không có Honours) đều đi làm cho các doanh nghiệp thay vì theo đuổi con đường tâm lý học về các mảng như Quản trị nhân sự (Human resource management).


    3. Điểm thuận lợi và bất lợi khi học tại Singapore


    Điểm lợi khi học đại học ở Singapore là có nhiều lựa chọn môn học do trường không bắt chọn chuyên ngành. Giảng viên của NUS phần đông lấy bằng tiến sĩ ở Bắc Mỹ (gần đây trường mới nhận thêm từ Hồng Kông và châu Úc). Chương trình bám sát giáo trình ở Mỹ và châu Âu, cộng với cập nhật nghiên cứu mới trên thế giới. Cơ sở vật chất của trường không quá hoành tráng, đặc biệt là để nghiên cứu trong những phân ngành cần đầu tư cao như neurology, I/O, v.v. Sinh viên NUS được đào tạo tốt về phương pháp nghiên cứu (statistics & research methods).


    Điểm yếu ở NUS là chú trọng nhiều về lý thuyết, nên chương trình học khá nặng và ít thực hành. Thêm nữa, đội ngũ giáo viên vì dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu nên nên có thể không dành nhiều quá nhiều thời gian hướng dẫn và đào tạo cho sinh viên.


    4. Cơ hội việc làm khi về nước?


    Làm việc trong ngành này đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều với mọi người, mọi đối tượng xã hội. Người làm nghề tâm lý phải có kiến thức vững vàng về tâm lý học, có kỹ năng trong nghiên cứu, vận dụng các kiến thức vào thực tế, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, phản hồi, có thái độ thận trọng, tận tâm, công bằng trong công việc.


    Những người được đào tạo cơ bản về tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội: trong các cơ sở đào tạo (làm giáo viên giảng dạy tâm lý học tại các trường cao đẳng, đại học..), trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các viện tâm lý học, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước…), trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý (làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu…).


    Ngoài ra, với bằng cử nhân tâm lý, bạn cũng có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (nhân viên phòng Nhân sự, phòng Marketing, Thiết kế quảng cáo, Nghiên cứu thị trường…), trong các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, UBND phường, xã…), trong các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội…), trong các bệnh viện (làm cán bộ trị liệu tâm lý và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…), trong các trường phổ thông (làm cán bộ tư vấn học đường) v.v…

    Theo butnghien​
    Loading...

Chia sẻ trang này