Lạc tết

Thảo luận trong 'Rao vặt' bắt đầu bởi truogtx1911t, 25/2/14.

Loading...
  1. truogtx1911t

    truogtx1911t Thành viên mới

    Truyện ngắn : Lạc tết

    Xa nhà mấy chục năm trở về không còn gặp lại cha. Đó là nỗi buồn lớn của đời tôi. Cha tôi mất năm Nhâm Dần, tính đến nay đã gần năm mươi năm. Nhưng đối với tôi, Người như hóa thành một bầu không khí thân thiết vừa đủ bao bọc lấy tôi. Ngày đêm tôi vẫn hít thở nó. Để nhớ cha.

    Ngồi vào bàn ăn thấy chén mắm cái với trái ớt xanh, nhớ. Về thăm quê thấy bộ bàn ghế tay cha đóng, nhớ. Những rằm, mùng một thắp nén hương lên bàn thờ, nhìn gương mặt cha trong khung ảnh, nhớ…

    Nhớ nhất là vào lúc năm cùng tháng tận. Quãng cuối tháng mười một đầu tháng chạp, khi mùa mưa lụt đã qua, lớp bùn non hai bên đường vừa rạn chân chim, trời bắt đầu hửng nắng. Một thứ nắng mật ong thật lạ: yếu ớt mà ngọt ngào, mà ấm áp, như một cái gì còn rớt lại, lại như một cái gì đang chớm hừng lên.

    Hừ, mới đó mà đã…

    Như nói một mình vậy thôi nhưng đó là lúc cha tôi đã bắt đầu nghĩ đến cái Tết đang tới gần, nghĩ đến những cái thú chơi mà cứ thiếu chúng là cha tôi coi như không có Tết. Mà cái thú chơi Tết của cha tôi ngày ấy không biết có giống ai? Tết năm nào cũng chừng đó thứ, đã thành công thức: một con gà giò, một phong pháo, một nhành mai.

    Vậy mà không hề thấy cha tôi chán. Mà luôn luôn chỉn chu, mà đam mê. Như một thầy lang. Như một nghệ sĩ.

    Gà giò là thứ phải tính tới sớm nhất, trước ngày đưa Ông Táo về trời. Từ đầu tháng chạp mẹ tôi đã hỏi ướm:

    - Đã mua gà chưa ông nhỉ?

    - Không lo mua bây giờ thì đến chiều Ba mươi mới mua à? Mà phải nhớ mua ba con để còn có cái mà chọn. Đừng quơ mấy đứa mới múm đuôi tơm, mà cũng đừng rước mấy thằng tồng ngồng quá, còn phải nuôi om hàng tháng nữa đấy.

    - Thì hỏi vậy chứ thuộc hết rồi.

    Mẹ tôi vừa cắp rổ ra cổng vừa nói lại cố ý nhấn ba tiếng “thuộc hết rồi” như để cha tôi yên tâm.

    Gà chưa mua về, chuồng đã đóng sẵn, ba ngăn hẳn hoi, chứ nhốt chung các chú chàng hoang nghịch đánh đá nhau trầy trụa, giò cẳng còn ra gì.

    Hằng ngày, dọn chuồng sạch sẽ, để gà giẫm phải cứt gà, giò mất tinh khiết. Ăn thì cơm nguội với bắp tẻ, cho mềm thịt, vàng da, đẹp giò. Đến chiều ba mươi, chọn con đẹp nhất cúng hành khiến. Cha tôi cứ luồn tay xuống ức gà nhấc lên nhấc xuống, hết con này đến con khác, chọn thật kỹ. Con nào cặp giò đẹp nhất mới được lên bàn thờ vào giờ giao thừa. Gà luộc xong, giò phải sáng lên vàng rực, giống nét chữ thếp vàng trên mặt liễn gỗ. Khi lên mâm, gà nằm gọn trong chiếc đĩa kiểu, cổ tréo vào cánh, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm một bông phượng, trông thật kiêu hùng.

    Lên hương đèn xong, cha tôi áo thụng khăn đóng, đứng cúng. Còn phận sự của tôi là đánh chuông: cứ ba tiếng một, không nhanh không chậm, phải gõ êm dùi chứ không nện mạnh, đầu năm đầu tháng chuông nghe như đĩa bể là kỵ. Tuần hương vừa tàn, cha tôi đưa tay ra hiệu cho tôi hồi chuông. Khi những tiếng chuông đầu năm ngân nga một hồi dài là lúc cha tôi chậm rãi đưa tay trái ra vén ống tay áo rộng, ngón cái và ngón trỏ của tay phải thận trọng với lên nhón đôi giò gà ra khỏi mâm cúng. Rồi trịnh trọng đưa đôi giò gà hướng ra sân vái thổ thần thiên địa ba vái, lại quay vào hướng lên bàn thờ vái tổ tiên ba vái. Xong đó mới đưa lên ngắm nghía. Đôi giò gà thật đích, các ngón chân cong chúm lại như bàn tay vũ nữ. Cha tôi khẽ hắng giọng, vén tay áo rộng, đưa giò lên, lật qua lật lại, coi xét thật kỹ như thể thầy thuốc đang coi mạch, gật gật đầu. Mẹ tôi rón rén đến sau lưng, hỏi nhỏ: “Tốt quẻ không ông?”. Cha tôi vẫn chăm chú săm soi đôi giò gà, đầu không quay lại, miệng nói vui:

    - Chứ bà không nghe đôi giò hắn mới nói đó à? - Rồi cụ giả tiếng gà lấy giọng cổ - “Heo bà mau lớn, hàng ông bán chạy”.

    Hai ông bà cùng cười, chúng tôi cũng reo cười theo.

    Coi giò xong, cha tôi buộc đôi giò gà vào sợi chỉ đay đã chuẩn bị sẵn, bảo mẹ tôi treo lên giàn bếp. Để làm thuốc. Trẻ con đứa nào chậm biết đi lấy xuống, rửa sạch hầm kỹ lấy nước cho uống. Chẳng biết trúng trật đến đâu mà mới ra Giêng đã có chị, có bà đến xin về làm thuốc cho trẻ.

    Sau đó, tới mục được chờ đợi nhất của bọn con nít chúng tôi: đốt pháo. Phong pháo đã buộc đầu cây sào, câu sẵn ra giữa sân. Không thấy sợi chỉ treo, chỉ thấy dây pháo hồng cánh sen đung đưa lơ lửng giữa không trung giống con rết thần trong truyện cổ tích đang cố bò lên trời, mãi vẫn không lên được. Trong khi cha tôi tay phải cầm cây đèn bạch lạp, bàn tay trái khum lại che gió, bước ra sân, bọn tôi đã vội nhảy vào nách cửa lấy đầu ngón tay trỏ nút chặt vào tai. Pháo nổ giòn giã, lửa xẹt nhoáng nhoàng, xác hồng như cánh hoa giấy tung tóe, rơi lả tả đầy sân, khói pháo xanh loãng tạt vào nhà thơm ngan ngát. Đây là giờ phút vui nhất của bọn tôi: dứt tiếng pháo một cái là nhảy ra tranh nhau lượm những trái pháo nín đứt ngòi nửa chừng, rơi nguyên xuống đất. Lom khom mò tìm mãi chỉ được vài mẩu pháo lép. Mẹ tôi bảo:

    - Ba tụi bay mà mua pháo thì đố bay nhặt được trái nào.

    Mẹ tôi thì quá hiểu cái sự sắm pháo Tết của cha tôi, thiệt kỹ không ai bì. Không cần sớm như mua gà giò vì pháo Bắc chỉ sau hai mươi mới có. Cha tôi bảo: “Pháo ngoài đó nổ giòn, xác đẹp, khói thơm, không biết họ luyện thuốc cách gì mà tài thế”. Nên cúng Ông Táo xong, cha tôi mới dạo phố, để tìm pháo. Xem thử đã, chưa mua. Đôi lần ba lượt kén chọn mới chịu móc tiền túi ra. Không mua được anh pháo Bắc thì ít ra cũng phải kiếm cho được thằng Nam Ô. Mà cha tôi cũng chỉ chọn loại pháo thường, phong hai lớp chỉ vài gang tay. Không phải pháo thước, pháo cối. Đó là thứ của những nhà sẵn tiền. Nhà mình đầu năm chỉ đốt pháo cốt xua tà khí, cho thơm nhà. Tiền đâu mà đem nổ thành khói. Mua được pháo rồi đem về phơi. Hằng ngày đi ra đi vào dời pháo theo nắng không biết bao nhiêu lần. Gặp ngày trời râm thì gác bếp, không quên dặn mẹ tôi “đừng để hỗn lửa, hắn mà rẹt một cái là Ông Táo giật mình đó hỉ”. Có năm trời mưa lây nhây cho đến ba mươi, cha tôi bắt mẹ tôi quạt nồi than, tự tay cụ ngồi hong, tay quạt than, tay trở pháo. Mẹ tôi chọc: “Y cái bà nướng bánh tráng dưới chợ, chẳng khác tí nào”.

    Cho nên pháo nhà tôi Tết năm nào cũng giòn, thời tiết nào cũng nổ như rang bắp. “Năm mới năm mung mà phong pháo cứ cà xịt cà đùng thì cả năm chỉ có ăn dăm bào”. Cha tôi thường bảo thế.

    Nhưng công phu nuôi gà, sắm pháo chẳng ăn thua gì so với sự chăm chút cho cành mai. Hoa mai ngày đó chưa thành cái đem bán, chỉ cho nhau để lấy thơm lấy thảo. Cũng là chỗ bà con thân quen cả. Đầu chạp, cha tôi đã dạo một lượt qua các nhà vườn có mai. Rồi chọn mấy cành có thế nhánh coi được, làm dấu để đó. Đến áp Tết, mới dứt bụng chọn cành nào. Rồi trước Tết vài bữa, mới xách cái cưa rà - loại cưa lưỡi mỏng, răng nhỏ và sắc, thợ mộc dùng để rà mộng - đến rà nhẹ vào gốc nhánh mai. Mai đem về, đốt dăm bào lên thui qua đầu gốc cắm vào chiếc độc bình, ngày hứng nắng đêm dang sương. Đến chiều ba mươi, săm soi từng chùm bông xem được bao nhiêu nụ lúp búp sẽ bung cánh đúng vào giữa đêm, thấy còn thưa thì thay nước ấm vào bình để thúc.

    Đến khi pháo nổ, dường như những nụ hoa đã cố ngậm nín từ cuối năm trước, bỗng giật mình xòe cánh trước bàn thờ. Một làn hương nhẹ nhàng tỏa ra, quyện với trầm hương, phảng phất một mùi thơm đặc biệt mà con người chỉ được hưởng mỗi năm một lần vào giờ phút thiêng liêng trước thềm năm mới - giờ phút ai đã từng sống qua dù chỉ một lần, suốt đời cứ nhớ.

    Thế là Tết đã vào nhà.

    Cả nhà quây quần quanh mâm cỗ giao thừa. Cha tôi với tay đỡ chiếc đĩa nhỏ trên bàn thờ xuống, trong đĩa có những đồng xu đồng mới keng, bọc giấy hồng điều. Theo lệ, anh em tôi đến trước mặt cha, môi mím chặt lại giữ cho sự vui sướng khỏi bật reo thành tiếng, nghiêm trang ngửa hai bàn tay nâng lên nhận lộc đầu năm.

    - Năm mới phải học giỏi, không hoang nghịch nghe!

    Cha tôi vừa trao lộc vừa xoa đầu từng đứa. Sau đó, mỗi đứa được cha tôi mừng tuổi thêm một lát bánh tét cắm vào đầu đũa. Xúng xính trong bộ quần áo mới, chúng tôi vui thích giơ cao chiếc đũa bánh tét giống cái lung tung với con gà kéo mẹ vừa mua ở chợ phố chiều cuối năm, nhong nhong khắp nhà…

    Thế. Chỉ đôi chút vui bé bỏng như vậy, mà sao nó cứ theo tôi qua sáu, bảy mươi cái Tết, vui mãi cho đến bây giờ.

    Giờ đây cha mẹ tôi không còn nữa. Chúng tôi cũng đã thành ông ngoại bà ngoại. Mỗi năm Tết đến, chúng tôi lại cố tạo cho mình và cho con cháu một cái Tết vui.

    Nhưng thật lạ, Tết nay, nhà không còn chật, thịt thà bánh trái không còn thiếu, pháo không còn được đốt nhưng chơi Tết thì cũng lắm trò, mà sao chúng tôi không thể nào tìm đuợc cái Tết vui ngày mình còn bé, một cái Tết hồn nhiên, thơm phức như chúng tôi từng được ông bà, cha mẹ ban cho ngày trước.

    Sao thế nhỉ?

    Hay là bởi, trước cái Tết ngày càng đủ đầy, sôi động của thời này, bọn già chúng tôi đã bị... lạc Tết rồi chăng?

    Có lẽ, thế thật.


    ĐỌC THÊM:

    >>>Tiểu thuyết full

    >>>Tiểu thuyết buồn
    Loading...

Chia sẻ trang này