Lịch Sử 7-Bài 27 : CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN NHÀ NGUYỄN .

Thảo luận trong 'Lịch sử lớp 7' bắt đầu bởi tkt057, 4/8/15.

Loading...
  1. tkt057

    tkt057 Moderator


    [​IMG]
    Lược đồ các đơn vị hành chánh Việt Nam thời Nguyễn (từ năm 1832)

    I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ – KINH TẾ – KINH TẾ

    1. Nhà Nguyễn lập lại chế độ phong kiến tập quyền .

    -Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn , chọn Phú Xuân làm kinh đô, niên hiệu là Gia Long , lập ra nhà Nguyễn .

    -1806 Ông lên ngôi Hòang Đế ,củng cố chế độ quân chủ tập quyền.

    -Vua nắm mọi quyền hành , giúp vua có 6 bộ .

    -Cả nước chia làm 30 tỉnh và 1 phủ trực thuộc (Thừa Thiên ),đứng đầu có tổng đốc hay tuần phủ .

    -Năm 1815 ban hành Luật Gia Long .

    -Quân đội gồm nhiều binh chủng, xây dựng thành trì vững chắc ở kinh đô và các trấn . Lập hệ thống trạm ngựa để chuyển tin nhanh.

    -Thuần phục nhà Thanh ; “đóng cửa” không quan hệ với phương Tây .

    Nhận xét ; về đối nội xiết chặt ách thống trị đối với nhân dân, đối ngọai thì đóng cửa bảo thủ .

    [​IMG]

    Binh lính người Việt thời Nguyễn



    2. Kinh tế – xã hội dưới thời Nguyễn .

    *Nông nghiệp:

    -Khai hoang , di dân , lập ấp nên diện tích canh tác tăng.

    -Chế độ quân điền không còn tác dụng .

    -Không chú trọng sửa đắp đê.

    -Tài chính thiếu hụt , nạn tham nhũng .

    -Diện tích canh tác tăng nhưng không mang lại kết quả thiết thực do hậu quả chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ .

    * Thủ công nghiệp :

    -Có điều kiện phát triển,nhà Nguyễn lập xưởng đúc tiền , đúc súng , đóng tàu ; thợ giỏi sản xuất trong các xưởng của nhà nước ,khai mỏ mở rộng .

    -Nghề thủ công ở thành thị và nông thôn phát triển, nhưng còn phân tán ; thợ thủ công phải đóng thuế sản phẩm rất nặng.

    * Thương nghiệp:

    -Buôn bán thuận lợi ; thành thị như Hà Nội, Phú Xuân, Gia Định, Hội An, Mỹ Tho, Sa Đéc …….

    -Thuyền buôn nước ngoài mua bán hàng hóa nhưng bị hạn chế , từ chối buôn bán với phương Tây

    [​IMG]
    Thương cảng hội An – tranh vẽ cuối thế kỷ XVIII

    [​IMG]

    Lược đồ phong trào khởi nghĩa nông dân dưới thời Nguyễn.

    II . CÁC CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÂN DÂN .

    1. Đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn.

    Tô thuế, phu dịch nặng nề , thiên tai, dịch bệnh, nạn đói, bị cường hào ở nông thôn bóc lột , nên đời sống nhân dân khổ cực ..

    2. Các cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn :khắp nơi gồm nông dân,nho sĩ, dân tộc ít người .

    a Khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành (1821-1827) tại Minh Giám- Thái Bình , Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh ; lập căn cứ ở Trà Lũ -Nam Định .

    b.Khởi nghĩa dân tộc thiểu số Nông văn Vân (1833-1835) tại vùng Việt Bắc .

    c.Khởi nghĩa của nho sĩ Cao Bá Quát (1854- 1856) căm ghét chính sách cai trị của nhà Nguyễn đã cùng bạn bè tập hợp nông dân nổi dậy ở Hà Nội, Bắc Ninh , Sơn Tây .

    d.Khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1833-1835): chiếm thành Phiên An ,tự xưng là Bình Nam Đại Nguyên Soái , giết tên quan Bạch Xuân Nguyên , được nhân dân tham gia. 1835 bị đàn áp.

    * Nhận xét :

    -Các cuộc khởi nghĩa trên tuy rầm rộ,rộng khắp,nhưng rời rạc nên dễ bị nhà Nguyễn đàn áp .

    -Thể hiện truyền thống chống áp bức, phong kiến của nhân dân ta và làm suy yếu triều Nguyễn .


    Tham khảo :

    LỤC BỘ: thuật ngữ chỉ sáu bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Cơ quan chức năng cao cấp trong triều đình phong kiến Việt Nam.

    Đứng đầu bộ là thượng thư, giúp việc có tả, hữu thị lang (thời Lý - Trần - Lê) hoặc tham tri (thời Nguyễn).

    Năm 1089, Lý Nhân Tông bắt đầu đặt các bộ nhưng chưa đủ.

    Đời Trần có các bộ đặt dưới quyền điều khiển của tướng quốc. Đầu thời Lê sơ, có hai Bộ Lại và Lễ (theo "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi còn có Bộ Dân, tức là Bộ Hộ). Đến đời Lê Nghi Dân chính thức đặt đủ LB.

    Lê Thánh Tông vẫn giữ nguyên và đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của hoàng đế. Các triều đại sau tiếp tục duy trì.


    PHAN BÁ VÀNH:

    (? - 1827), thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân Bắc Kỳ đầu thế kỉ 19. Quê: làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

    Thuở nhỏ, nhà nghèo, đi ở, lớn lên học võ. Khoảng năm 1821 - 22, Phan Bá Vành tập hợp dân nghèo vùng Nam Định, Thái Bình nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Nghĩa quân đông đến hàng vạn người. Thủ lĩnh người Mường Ba Hùm ở Thanh Hoá cũng đưa quân xuống phối hợp. Bộ chỉ huy có tướng cũ của nhà Lê, nhà Tây Sơn, có cả người Mường, như Nguyễn Hạnh, Chiêu Liễn, Võ Đức Cát, vv.

    Cuối 1825, nghĩa quân đánh chiếm đồn Trà Lý, trấn thủ Nam Định, Lê Mậu Cúc bị giết. Thừa thắng, nghĩa quân bao vây thành phủ Kiến Xương rồi mở rộng ra Đồ Sơn (Hải Phòng), Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

    Cuối 1826, nghĩa quân đánh tan quân triều đình ở Cổ Trai nhưng giữ không được phải chuyển sang Kiến Xương và Xuân Trường (Nam Định) xây dựng căn cứ Trà Lũ.

    Đầu năm 1827, quân nhà Nguyễn do các tướng Phạm Văn Lý, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Công Trứ chỉ huy đánh vào Xuân Trường. Căn cứ Trà Lũ bị thất thủ, Phan Bá Vành và nhiều tướng bị giết hại. Hai làng Minh Giám và Trà Lũ bị tàn phá.




    NÔNG VĂN VÂN : (? - 1835), thủ lĩnh cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số Bắc Việt Nam chống triều Nguyễn.

    Vốn là tù trưởng người Tày, tri châu Bảo Lạc (tỉnh Tuyên Quang), vì liên kết với các tri châu, chống lại triều đình nên đến giữa năm 1833 bị cách chức và bị bắt phải chuyển đến Tuyên Quang. Nông Văn Vân hạ lệnh bắt phái viên của tỉnh và sai thích vào mặt 4 chữ “Tỉnh quan thiên hối” (quan tỉnh thiên tư hối lộ) rồi đuổi đi.

    Ngày 2.7.1833, ông tự xưng là “Tiết chế thượng tướng quân”, lập đại bản doanh ở Vân Trung và Ngọc Mạo thuộc Bảo Lạc, nhiều tù trưởng và đông đảo nhân dân các dân tộc Việt Bắc nhiệt liệt hưởng ứng.

    Quân nổi dậy nhanh chóng mở rộng hoạt động ra các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, đánh chiếm các tỉnh thành.

    Vua Minh Mạng phải sai tổng đốc An - Tĩnh Tạ Quang Cư làm tổng đốc đại thần cùng Lê Văn Đức, Nguyễn Đình Phổ, Nguyễn Công Trứ thống lĩnh hàng chục vạn quân, hàng trăm voi chiến, ngựa chiến đàn áp.

    Cuối 1834 hoạt động của quân nổi dậy bị thu hẹp dần. Ngày 11.3.1835 quân triều đình phóng hoả đốt khu rừng Thẩm Bát, nơi ẩn náu của Nông Văn Vân và quân nổi dậy. Cuộc nổi dậy bị dập tắt.


    CAO BÁ QUÁT : (tự: Chu Thần; hiệu: Cúc Đường, Mẫn Hiên; 1809 - 55), nhà thơ Việt Nam, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân dưới triều Nguyễn.

    Quê: xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đỗ Cử nhân, nổi tiếng hay chữ. Làm quan (hành tẩu Bộ Lễ). Trong kì chấm thi Hương, vì yêu tài, sửa bài cho thí sinh nên bị cách chức, và chuyển sang phục vụ phái bộ đi Inđônêxia và Xingapo.

    Năm 1843, trở về nước, lúc bị thải hồi, lúc được phục chức, rồi đổi làm giáo thụ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

    Năm 1853, bỏ dạy học về vùng Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Tây) chiêu tập nông dân nổi lên khởi nghĩa. Ông bị bắn chết tại trận tiền Quốc Oai trong cuộc khởi nghĩa chống triều đình thời Tự Đức.....(xt. Khởi nghĩa Cao Bá Quát 1854 - 55).

    Thơ văn thất lạc nhiều, nay còn khoảng trên một nghìn bài. Có một số bài hát nói, một bài phú "Tài tử đa cùng" bằng chữ Nôm; phần lớn tác phẩm bằng chữ Hán. Cao Bá Quát là người khoáng đạt, không chịu gò vào khuôn phép, có hoài bão lớn, băn khoăn về cuộc sống của nhiều hạng người. Những bài thơ đầy tính hiện thực báo hiệu việc Cao Bá Quát nổi dậy chống triều đình khi Bắc Hà mất mùa, đói kém. Thơ Cao Bá Quát hay, dùng từ độc đáo, hình ảnh mới lạ, phản ánh đúng con người và tư tưởng của Cao Bá Quát. Tác phẩm còn lại: "Chu Thần thi tập". Cao Bá Quát là một trong hai nhà văn triều Tự Đức được nhà vua đánh giá cao nhất về tài văn chương.

    Khởi nghĩa CAO BÁ QUÁT :

    Giữa năm 1853 (Tự Đức năm thứ 7), ông xin thôi dạy học, lấy cớ về nuôi mẹ già. Năm ấy miền Bắc, vào tháng 6, tháng 7, châu chấu bay mù trời. Lúa má bị chúng cắn sạch. Nạn đói hoành hành, mọi người ca thán.

    Cao Bá Quát đứng lên tụ tập nhân dân, bí mật chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Cao đã bị một số phần tử phản bội đi tố giác. Tự Đức sai Nguyễn Quốc Hoan và Lâm Duy Thiết tìm mọi cách bắt cho được Cao.

    Cao liên hệ mật thiết với những thổ mục người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Chấn, mở rộng lực lượng tiến đánh những vùng Hà Nội và Sơn Tây. Dựa vào tinh thần của nhân dân oán ghét triều Nguyễn và còn tưởng nhớ tới nhà Lê, Cao suy tôn một người thuộc dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Cự là minh chủ, tự mình lãnh chức quốc sư, dẫn quân đến đánh phủ Ứng Hòa và huyện Thanh Oai. Tháng 12 năm ấy, hai cánh quân của Cao bị thua ở làng Đồng Dương (huyện Thanh Oai, Hà Tây) và ở làng Quyền Sơn (huyện Kim Bảng, Nam Hà). Nhiều tướng của Cao đã bị bắt, như Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Đình Huấn, Hoàng Văn Nho, Lê Văn Tường.

    Dù thất bại Cao Bá Quát và nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu, lại tiến đánh phủ Quốc Oai, sau rút về vùng Vĩnh Tường, đốt cháy thành Tam Dương. Sau đó, Cao Bá Quát rút lui về Mỹ Lương cùng với Bạch Công Chấn chấn chỉnh đội ngũ, lấy nghĩa binh miền núi bổ sung lực lượng.

    Tự Đức phái thêm 500 lính từ Thanh Hóa đến đóng tại Sơn Tây và treo giải thưởng 300 lạng bạc cho người nào giết chết được Cao. Quân nhà Nguyễn do lãnh binh Sơn Tây là Lê Thuận và quân khởi nghĩa do chính Cao Bá Quát chỉ huy đã giao chiến tại vùng Yên Đơn (thuộc phủ Quốc Oai). Trong lúc giao tranh, Cao Bá Quát đã bị tên Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Ông đã hy sinh anh dũng ở tuổi 45 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Quân của Cao tan vỡ, 100 người bị chết và 80 người bị bắt sống. Tự Đức hạ lệnh mang đầu của Cao Bá Quát bêu khắp các tỉnh ở Bắc Hà rồi bổ ra ném xuống sông.

    Thất bại của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và cái chết của Cao Bá Quát gây một tiếng vang ở khắp nơi và trong nhiều năm người ta còn xúc động khi nhắc tới Cao Bá Quát. Nhân dân thương tiếc và yêu quý ông, một người có tài năng lỗi lạc có phẩm chất cao quý, yêu nước, thương dân, nhưng bị chế độ phong kiến vùi dập và hủy hoại.



    Đoàn thị Hồng Điệp sưu tầm và biên tập.
    Loading...

Chia sẻ trang này