NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Thảo luận trong 'Trà chanh - chém gió' bắt đầu bởi thaolovely, 28/2/13.

Loading...
  1. thaolovely

    thaolovely Thành viên BQT

    Chuyện anh trưởng ấp giặt đồ cho gia đình

    Tôi có dịp được xem đoạn phim tại ấp Bắc tại huyện Thanh Bình thuộc tỉnh Đồng Tháp, anh Sơn được xem là người đầu tiên trong ấp đem đồ ra bờ sông để giặt mà không chỉ giặt đồ cho anh mà cho cả gia đình anh nữa.
    Theo câu chuyện trên đoạn video đó, lần đầu tiên anh rất ngại, mỗi lần đi giặt đồ như thế anh thường làm lén lén có thể đi vào sáng sớm tinh mơ hoặc vào lúc trưa mọi người không ai để ý vì rất ngại và rất mắc cỡ vì sợ mọi người nhìn thấy.
    Anh cho biết về quá trình trở thành người đàn ông đầu tiên trong ấp giặt đồ cho gia đình như sau: “Trước khi anh chưa giặt đồ cho gia đình thì một mình vợ anh là người phải đảm đương hết tất cả công việc gọi là nội trợ trong gia đình chẳng hạn như: phải thức sớm giặt đồ, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp trong nhà, chở con đi học, dạy con học… và làm suốt đến tối khi đi ngủ với công việc nhà. Điều trớ trêu là anh xem tất cả công việc đó mặc nhiên là của người phụ nữ. Còn người chồng chỉ làm việc ngoài đồng và chiều về chỉ việc đi chơi và lai rai vài ly rượu với mấy anh em hàng xóm thôi. Nhiệm vụ của chồng và vợ khác nhau. Nhưng từ lúc vợ anh tham gia hội phụ nữ, được đi đây đi đó, học hỏi thêm kiến thức kinh nghiệm, từ năm 2008 khi anh Sơn tham gia vào dự án tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống thiên tai tại địa phương với vai trò là tình nguyện viên tuyên truyền về bình đằng giới, phòng chống thiên tai. Được đào tạo bồi dưỡng thêm kiến thức về giới và các kiến thức liên quan đến dự án và đời sống hàng ngày nên mỗi khi về nhà thấy vợ nấu ăn cũng phụ tiếp và chia sẽ công việc với nhau không còn phân biệt công việc nặng nhẹ gì hết, cùng vợ cùng chồng làm cùng nhau tốt hơn và đỡ mất thời gian. Và anh cho biết nhờ có vợ chồng cùng phụ như thế thì có thời gian rảnh rỗi hơn nên tâm sự về chăm sóc con cái và về công việc, có thời gian tham gia công tác xã hội bên ngoài. Điều quan trọng hơn nữa là chị có thời gian học thêm tin học và một số chuyên môn khác không chỉ phục vụ cho công việc mà cho cả gia đình. Anh Sơn còn đi nói chuyện với mấy ông bạn nhậu về bình đẳng giới từ những kinh nghiệm thực tế của gia đình anh và những hình ảnh từ các gia đình khác đã thực hiện bình đẳng giới từ sự thay đổi định kiến, từ người đàn ông cụ thể như trường hợp anh Sơn là trưởng ấp mà đi giặt đồ cho vợ. Lúc đầu thì sợ mọi người cười, nhưng anh Sơn chẳng sợ đều đó và anh đã phá bỏ được định kiến về phân chia công việc theo giới để phụ tiếp công việc của vợ và gia đình. Từ đó vợ chồng anh Sơn là cặp vợ chồng đi đầu trong phong trào bình đẳng giới tại địa phương và anh Sơn là người đầu tiên tại Ấp làm công việc mà định kiến xã hội thường cho là của phụ nữ tại ấp mình.
    [​IMG]

    Điều quan trọng nhất anh rút ra được kinh nghiệm là sau một thời gian làm việc như thế vợ chồng anh cảm thấy được vui vẻ hơn và có thời gian trao đổi bàn bạc với nhau nhiều hơn những công việc trong gia đình có thời gian bên nhau nhiều hơn và có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái được tốt hơn.



    Chuyện ông Giáo Sư Bên Phillippines

    Năm 2005 có cơ hội được học tập tại Philippines, sinh viên Việt Nam và các nước khác ngoài người Phi học tại Asian Social Institute đều biết ông Phó hiệu trưởng của trường và là người chủ tịch của hiệp hội các trường đại học công giáo tại Manila, mỗi lần đến dịp sinh nhật của vợ, ông ta đều mời sinh viên nước ngoài đang học tại trường về nhà ông để tổ chức sinh nhật. Điều đặc biệt là trong buổi tiệc đó tất cả những món ăn trong buổi tiệc sinh nhật đều do chính tay ông chuẩn bị và nấu nướng. Điều đặc biệt hơn sau mỗi buổi tiệc chính ông tự dọn dẹp và rửa chén, dĩa. Vừa rửa chén dĩa vừa cười nói rất vui vẻ trong khi vợ ông và sinh viên của ông thì ngồi trò chuyện, hát karaoke nhảy múa… Qua trò chuyện với ông về vấn đề công việc nhà, ông còn cho biết thêm công việc rửa chén giặt đồ ở nhà thì không kể vợ chồng, con cái ai cảm thấy có thời gian thì làm không có phân biệt gì cả vì ai cũng phải làm việc. Đây là công việc rất bình thường và nhiều người đàn ông Philippines đều làm như thế.



    Câu chuyện vì sao phụ nữ khóc

    Chuyện kể rằng một em bé thấy mẹ đang ngồi khóc bé liền chạy đến mẹ và hỏi sao mẹ lại khóc. Người mẹ trả lời vì mẹ là phụ nữ, khi lớn lên con sẽ biết. Em bé không thỏa mãn với câu trả lời của mẹ nên tiếp tục chạy đến ba và hỏi tại sao mẹ lại khóc, ba bé trả lời tất cả phụ nữ đều như vậy. Vì sao phụ nữ khóc từ đó làm em bé trăn trở cho đến khi em bé trở thành một chàng trai nhưng cũng không hiểu tại sao phụ nữ khóc. Thế là anh tìm đến một nhà Hiền triết. Và chàng trai hỏi nhà Hiền triết, thưa thầy tại sao phụ nữ khóc? Nhà hiền triết trả lời cho chàng trai như sau. Thượng đế tạo ra người phụ nữ rất đặc sắc, Người làm cho đôi vai họ cứng cáp để che chở cho thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và Người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau, Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chăm sóc cả gia đình, người thân, bạn bè, người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái trong một hoàn cảnh trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ, Người cho họ sức mạnh để chăm sóc người chồng của họ, người cho họ sự khôn ngoan để cho biết rằng người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng. Và cuối cùng nhà Hiền triết cho biết để làm được điều đó thì họ cũng cho họ giọt nước mắt phải rơi để sử dụng bất cứ lúc nào và đó cũng là điểm yếu nhất của họ… Như vậy, theo nhà Hiền triết thì thượng đế đã tạo ra người phụ nữ với quá nhiều nhiệm vụ đại loại như họ vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu đổi thành trường hợp khi em bé thấy người đàn ông khóc thì không biết nhà Hiền triết sẽ trả lời ra sao? Có lẽ những câu trả lời là do họ gà trống nuôi con, có thể do họ bị thất bại trong công việc và cũng có thể do họ thất tình, hay vì một lý do nào thầm kín khác. Hay là do đảm nhận nhiều công việc như người phụ nữ. Chắc chắn là điều đó sẽ khó xảy ra vì lấy cụ thể về trường hợp của phụ nữ tại nông thôn Việt Nam có thống kê như sau: 75% phụ nữ làm việc 14 giờ/ngày, thu nhập ít hơn nam từ 20 - 40%... Công việc nhiều như thế và thu nhập lại kém như thế nên lúc nào phụ nữ cũng khóc và phụ nữ nào cũng như vậy theo như lời của người ba nói với người con.



    Nhìn ra một vòng các nước khác

    Theo nghiên cứu của trường đại học tại Anh Quốc thì “Đàn ông sắp mất vai trò trụ cột của gia đình”. Nghiên cứu này cho biết như sau:
    Phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 22 – 29 tuổi đang được trả lương trung bình nhiều hơn nam giới. Trung bình một giờ tiền lương theo giờ của phụ nữ là hơn 10 bảng Anh một giờ và với nam giới chỉ dưới 10 bảng một giờ. Một cuộc điều tra từ Viện Quản lý Chartered nhận thấy, phụ nữ trong độ tuổi 20 bây giờ đã được trả nhiều hơn nam giới khi cùng làm công việc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lương của phụ nữ trong năm tăng lên 2,4% so với 2,1% đối với nam giới.
    Mary Curnock Cook, Giám đốc điều hành của các trường Đại học và Cao đẳng Admission Service cho biết, tại cùng một nơi làm việc, cùng công việc thì hiệu quả công việc của phụ nữ cao hơn nam giới.
    Điều này có nghĩa là có sự đảo ngược vai trò, với nhiều phụ nữ đi ra ngoài để làm việc trong khi các đối tác của họ ở nhà để tận dụng tìm kiếm thu nhập cao hơn, Cook tin tưởng. “Đối với tôi đây là một điểm đặc biệt thú vị bởi vì nếu ở giữa tuổi hai mươi phụ nữ kiếm được nhiều hơn nam giới, điều này chứng minh khả năng của phụ nữ, họ có thu nhập cao trong gia đình, họ phải làm việc cả ngày, còn cánh đàn ông phải dành một phần thời gian chăm sóc con cái". (Daily Mail dẫn lời Mary Curnock Cook).

    [​IMG]


    Và thực tế người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam

    Qua câu chuyện của cặp vợ chồng người Thụy Điển làm tại Việt Nam để thấy thế nào là công việc có liên quan đến phân chia công việc về giới. Cặp vợ chồng này đang làm việc tại Hà Nội, cùng đi làm và có hai người con nhưng anh chồng làm gần như hết công việc tại gia đình như nấu ăn và chăm sóc con, anh cho biết do là công việc yêu thích của anh. Việc chăm sóc con cái và công việc trong gia đình không biết phải là bình đẳng giới hay không nhưng theo anh chăm sóc con cái giúp anh được gần gũi con nhiều hơn, không những anh nghĩ thế mà bạn bè xung quanh gia đình anh cũng nghĩ vậy. Anh còn cho biết thêm dù hiện tại ở Việt Nam hay trước kia ở Thụy Điển thì việc nấu ăn và chăm sóc con cái không có gì thay đổi, hàng ngày đi mua sắm, tắm cho con, đọc sách cho con. Anh làm tất cả các công việc mà người mẹ, người vợ có thể làm cho con của mình. Vợ anh cho biết thêm bởi vì họ đã lớn lên như thế, công việc gia đình là của cả hai vợ chồng, vì thế cả hai đều có trách nhiệm chung cho gia đình. Cô cho biết thêm khi còn nhỏ trong gia đình cả con trai và con gái đều được giáo dục làm việc nhà không có phân biệt giữa nam và nữ trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác.
    Rõ ràng khi nói bình đẳng giới tuy đã không còn là mới mẻ nữa thậm chí luật pháp Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bình Đẳng Giới. Nhưng thực tế xung quanh chúng ta và không riêng tại Việt Nam vẫn còn đó những sự kiện và hình ảnh về bất bình đẳng giới hay thậm chí còn mang tính bạo lực hơn nữa là những trường hợp bạo hành gia đình. Để bình đẳng giới thực chất và đi vào thực tế cuộc sống không phải đòi hỏi nam phải như nữ và ngược lại nữ phải như nam, nếu nói như thế thì đó là bình đẳng về giới tính tức là về mặt sinh học giữa nam và nữ, mà điều đó thì hoàn toàn không thể được. Do đó, bình đẳng theo nghĩa xã hội và phát triển là phải trao nhiều cơ hội cho phụ nữ tức là bình đẳng về cơ hội về việc làm, cơ hội học tập, giải trí, và một điều rất quan trọng là chính người nam cũng phải tự mình tạo cơ hội phá vỡ định kiến về giới liên quan đến việc phân chia công việc cho dù đó là công việc trong gia đình hay ngoài xã hội. Có như thế thì phụ nữ sẽ bớt đi vai trò tái tạo sức lao động như làm việc nhà và chăm sóc gia đình và tăng lên vai trò sản xuất – sinh kế tạo thu nhập thêm cho gia đình và tăng thêm vai trò cộng đồng tức là có thời gian học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống gia đình và xã hội.
    CHÂU HOÀNG MẪN
    Loading...

Chia sẻ trang này